Đầu tư và tài trợ cho văn hóa được xác định là một trong những điều kiện quan trọng tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa lại gặp khó khăn ở nhiều khía cạnh như chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, nhân lực…
Thực tế này được nhiều chuyên gia, người thực hành sáng tạo đề cập tại hội thảo khoa học "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam" do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Từ chính sách, nguồn lực tài chính
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, trong những năm qua, văn hóa ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa là vô cùng cần thiết để văn hóa cùng với kinh tế, chính trị, xã hội trở thành 4 trụ cột cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bà Phương lại nêu ra một loạt thực tế. Đó là, tại Việt Nam việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa đang gặp vô cùng nhiều khó khăn do thiếu bộ khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc triển khai, phát huy các nguồn lực chưa hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này trong thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ…
Rõ ràng, hầu hết các khía cạnh đầu tư và tài trợ cho văn hóa đang trong tình trạng muôn mặt gặp khó. Đơn cử, ở khía cạnh nguồn lực tài chính, theo thạc sĩ Trần Thành Trung (Phân viện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM), với nguồn kinh phí eo hẹp, ngân sách công dành cho văn hóa còn nhiều hạn chế, do đó việc xây dựng các quỹ văn hóa nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội vào việc đầu tư cho văn hóa là việc vô cùng cấp bách.
Ông Trung cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề thành lập các quỹ văn hóa cũng được đưa ra nghị trường thảo luận. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.
"Một trong những thách thức lớn nhất của các quỹ văn hóa là hạn chế về nguồn lực tài chính. Phần lớn các quỹ này phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, vốn thường bị giới hạn do các ưu tiên kinh tế - xã hội khác" - ông Trung nêu phân tích - "Các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp, và cá nhân vẫn chưa phát triển mạnh do thiếu các cơ chế khuyến khích cụ thể, như ưu đãi thuế hoặc các chính sách hỗ trợ tài trợ văn hóa. Điều này dẫn đến tình trạng quy mô quỹ nhỏ, không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn cho các hoạt động bảo tồn di sản và phát triển sáng tạo".
Mặt khác, chuyên gia này cũng cho rằng, khung pháp lý liên quan đến quản lý và vận hành các quỹ văn hóa hiện nay còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật chưa được xây dựng đồng bộ, dẫn đến sự thiếu rõ ràng trong quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan như cơ quan quản lý, nhà tài trợ, người thụ hưởng. Tình trạng này gây khó khăn trong việc thực thi và giám sát, tạo ra những rào cản trong quá trình triển khai các dự án văn hóa.
Cũng từ góc nhìn chính sách, thạc sĩ Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu thực tế, tại Việt Nam, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của nhà nước chưa phù hợp và toàn diện.
"Chính sách văn hóa toàn diện cần kết hợp hài hòa các mục tiêu văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" - ông Minh đặt vấn đề - "Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều kiện cần thiết, mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới".
Tiếng nói của nghệ sĩ
Ở góc nhìn của nghệ sĩ thực hành sáng tạo, vấn đề đầu tư và tài trợ cho văn hóa cũng không ít những hạn chế. Như lời NSƯT Cao Ngọc Ánh (Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ), trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện đang có rất nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ chính sách đến hạ tầng và nhân lực.
Bà Ánh dẫn chứng, các thiết chế phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn thiếu và yếu. Các rạp hát đủ tiêu chuẩn quốc tế đếm trên đầu ngón tay, hiện nay chỉ có thể kể đến Nhà hát Lớn, Nhà hát Hồ Gươm tại Hà Nội, Nhà hát Đó tại Nha Trang… là đạt tiêu chuẩn nhóm A trên thế giới, còn lại hầu hết đều đã cũ, không đáp ứng, thỏa mãn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Mặt khác, các điểm diễn ngoài trời có sức chứa cho các chương trình ca nhạc lớn cũng trong tình trạng tương tự khi phải tận dụng sân vận động, nhà thi đấu…
Đồng quan điểm, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng, như các ngành công nghiệp khác, việc đầu tiên là cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tức là nhà xưởng, khu công nghiệp… Với công nghiệp văn hóa là các thiết kế văn hóa, các cơ sở hoạt động dành cho công nghiệp văn hóa như các nhà hát, rạp, trung tâm văn hóa, triển lãm, bảo tàng…
"Vấn đề của những cơ sở này là sự thiếu đồng bộ, các quy định lỗi thời, nên chưa hoạt động hiệu quả, không đóng góp nhiều cho kinh tế và các hoạt động của văn hóa nghệ thuật. Nhà hát đầu tư thiếu đồng bộ, gây khó khăn, tốn kém cho các nhà sản xuất và nghệ sĩ; mô hình hoạt động và các chính sách chưa rõ ràng…" - ông Trung dẫn chứng.
Ngoài ra, chính sách đãi ngộ không đáp ứng đúng đủ cũng là một thực tế được Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Cao Ngọc Ánh nêu ra. Cụ thể, Nghị định 161/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của chính phủ quy định không cho phép ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng là những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.
"Do đặc thù nghề nghiệp, lực lượng nghệ sĩ trẻ ở độ tuổi trên, dưới 30 tuổi là thời kỳ đỉnh cao trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật" - bà Ánh phân tích - "Tuy vậy, nhiều nhà hát phải thực hiện thanh lý hợp đồng lao động, chủ yếu là diễn viên, có những nghệ sĩ đã gắn bó với nhà hát hơn 20 năm, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực biểu diễn trẻ".
Cũng theo nghệ sĩ này, chế độ phụ cấp nghề và bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn hiện nay quá thấp, không còn tương xứng với sức lao động sáng tạo đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Dù nhà nước đã 4 lần điều chỉnh mức lương cơ bản nhưng mức tiền bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn vẫn chưa thay đổi.
Nói rộng ra, nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên một vấn đề dễ nhận thấy là việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ…
"Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng: mặc dù nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, không có cơ hội tiếp cận hoặc sử dụng những nguồn lực đầu tư đó" - ông Trung bày tỏ.
"Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều kiện cần thiết, mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế" - thạc sĩ Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ VH,TT&DL).
(Còn tiếp)
Tags