Trần Anh Hùng: Chúng tôi đã “giết” nhiều thông dịch viên

Thứ Ba, 07/09/2010 12:01 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã phá bỏ các hàng rào ngôn ngữ và văn hóa để đưa tiểu thuyết best-seller Rừng Na Uy lên màn bạc. Do nam diễn viên Nhật Bản Matsuyama Kenichi thủ vai chính, bộ phim này đã ra mắt khán giả thế giới tại LHP Venice lần thứ 67 đang diễn ra.

Rừng Na Uy là 1 trong 24 phim tranh giải Sư tử vàng. Được công chiếu ở xứ hoa anh đào vào ngày 11/12 tới, phim còn được phát hành ở 36 nước khác.

Người được Murakami chọn

Khoảng 1.000 người hâm mộ đã tới buổi chiếu giới thiệu phim tại phòng chiếu Sala Grande và vé xem gần như bán hết. Các diễn viên chính Matsuyama Kenichi (25 tuổi), Kikuchi Rinko (29 tuổi) và Mizuhara Kiko (19 tuổi) đã xuất hiện trên thảm đỏ LHP Venice cùng đạo diễn Trần Anh Hùng. “Tiết tấu phim, tiếng gió thổi, âm nhạc và nhiều yếu tố khác đã góp phần tạo nên bầu không khí căng như dây đàn trong phim Rừng Na Uy”, đạo diễn Trần Anh Hùng giới thiệu về bộ phim đầy ám ảnh của mình tại LHP Venice.


Trần Anh Hùng hiện sống ở Paris. Anh từng đoạt giải Sư tử Vàng năm 1995 với phim Xích lô. Trước đó, phim Mùi đu đủ xanh của anh đã đoạt giải ở hạng mục Camera Vàng tại LHP Cannes năm 1993, và được đề cử giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất năm 1994. Rừng Na Uy là tác phẩm điện ảnh thứ 5 của anh.
Được dàn dựng theo tiểu thuyết bestseller của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, câu chuyện về tình yêu, tình dục và sự mất mát - chủ yếu thông qua sự tự vẫn - có bối cảnh trong những năm 1960 đầy bất ổn ở Nhật Bản. Watanabe (Kenichi Matsuyama) yêu Naoko (Rinko Kikuchi) mặc cho tình trạng mất cân bằng của cô sau khi mất đi người chị gái và bạn trai tự tử. Trong khi chờ đợi Naoko khắc phục được chấn thương tinh thần tại một viện điều dưỡng đặc biệt, Watanabe lại có quan hệ sâu sắc với một người phụ nữ khác tên là Midori (Kiko Mizuhara) và vì vậy mà anh rơi vào thế rối loạn về tình cảm.

Tiểu thuyết này đã gây tiếng vang khắp thế giới. Chỉ riêng ở Nhật Bản, Rừng Na Uy đã tiêu thụ được hơn 10 triệu cuốn và 2,6 triệu cuốn được xuất bản bằng 33 ngôn ngữ khác. Nhiều đạo diễn đã đề nghị với nhà văn đưa tiểu thuyết này lên màn bạc, nhưng Trần Anh Hùng không hiểu tại sao mình lại được chọn. Song theo nhà sản xuất Shinji Ogawa thì Murakami muốn một đạo diễn châu Á làm phim để nêu bật tính thẩm mỹ của khu vực.

“Thông dịch viên đã khóc”

Theo đạo diễn 47 tuổi này thì câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Murakami “tạo nên một mối quan hệ rất mật thiết với độc giả. Chuyển thể thành phim không chỉ là chuyển thể một câu chuyện... mà còn phải đưa những chi tiết đầy chất thơ, cảm xúc trong câu chuyện. Tôi phải tìm ra cách để giải thoát được khía cạnh riêng tư”.


Cảnh trong phim Rừng Na Uy
Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ, nhưng Trần Anh Hùng đã sử dụng các thông dịch viên để chỉ đạo toàn bộ dàn diễn viên Nhật Bản và đó là cách để “tìm thấy một nguồn sinh lực khác”. Đó là một quá trình dài để tạo nên được phần thoại hoàn hảo trong phim. Trần Anh Hùng đã viết những điều mình muốn bằng tiếng Anh rồi sau đó được dịch sang tiếng Nhật và nghe những câu đó để đảm bảo rằng chúng “lọt tai” chứ không bị nhanh và cụt. “Chúng tôi đã giết nhiều thông dịch viên”, Trần Anh Hùng nói đùa trong cuộc phỏng vấn trước buổi chiếu phim. “Thông dịch viên đã khóc khi gặp những câu quá khó vì tôi yêu cầu cô ấy phải truyền đạt được điều gì đó thực sự có nghĩa với diễn viên. Tôi không thích các câu bị cụt và nhanh... Thậm chí trong các bộ phim lồng tiếng Việt của tôi cũng không được tự nhiên như trong đời thực”.  

Hầu hết các cảnh trong phim được quay ở Tokyo và nhờ vậy đã mang đến một cái nhìn thoáng qua vào tình trạng hỗn loạn trong những năm 1960, nhưng Trần Anh Hùng cũng tới quay phim ở vùng nông thôn, đưa câu chuyện tới những đồng cỏ xanh mướt và những sườn đồi cằn cỗi phủ đầy tuyết - khung cảnh dội lại tâm trạng của các nhân vật chính trong phim.

Trong khi những cảnh tình dục được mô tả trong nền nhạc của thập kỷ 60, thì Trần Anh Hùng lại tìm cách giảm thiểu những sự liên quan tới thị giác của kỷ nguyên này, điển hình là trang phục, thậm chí còn cứng nhắc. “Chúng tôi loại bỏ hết bất cứ yếu tố hippy nào”, Trần Anh Hùng cho hay. Ngoại trừ ca khúc tiêu đề của ban nhạc The Beatles (Norwegian Wood là ca khúc nằm trong album Rubber Soul được ban nhạc Tứ Quái phát hành năm 1965), Trần Anh Hùng tránh xa các giai điệu phổ biến của kỷ nguyên này mà anh sử dụng “những nhạc phẩm ít nổi tiếng hơn nhưng có sức mạnh cảm xúc... chủ yếu là để tránh việc hồi tưởng quá khứ”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã có nhiều trao đổi với nhà văn Murakami khi anh bắt tay vào dự án điện ảnh này, nhưng cuối cùng nhà văn nói: “Hãy làm phim với những gì anh nghĩ ở trong đầu. Điều cần thiết là anh hãy làm một bộ phim hay nhất ở mức có thể”, Trần Anh Hùng kể lại.

TOP 10 PHIM ĂN KHÁCH

1.The American: 12,9 triệu USD
2. Takers: 11,4 triệu USD
3. Machete: 11,3 triệu USD
4.The Last Exorcism: 7,6 triệu USD
5.Going the Distance: 6,9 triệu USD
6. The Expendables: 6,6 triệu USD
7. The Other Guys: 5,4 triệu USD
8. Eat Pray Love: 4,8 triệu USD
9. Inception: 4,5 triệu USD
10.Nanny McPhee Returns: 3,6 triệu USD


Việt Lâm

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›