(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Hoàng Điệp đã trở về từ các liên hoan phim (LHP) Toronto, Venice được khoảng được 1 tháng, trong khi bộ phim của cô Đập cánh giữa không trung vẫn còn tiếp tục “bay” đi các LHP khác. Về Việt Nam, Điệp lại lao vào công việc và gần như tránh báo chí.
Sau hai tuần, cuối cùng Hoàng Điệp đã quyết định gặp gỡ phóng viên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần. Từ trước đến nay Điệp luôn là người tự chủ trong giao tiếp, nhưng hành trình dài làm phim đầu tay đã lấy đi của nữ đạo diễn khá nhiều sức lực. Trong lúc trả lời phỏng vấn, có lúc Điệp đã không kìm được nước mắt khi nghĩ đến những ngày khó khăn nhất.
* Trở về Việt Nam dường như chị bị áp lực về tâm lý?
- Cũng có nhưng chủ yếu là chuyện gia đình và công việc, còn chuyện phim thì không. Giai đoạn căng thẳng là lúc làm phim qua rồi. Hiện tại tôi đang phải “cày” bù, vì đã phải chi khá nhiều cho Đập cánh... Tính đến tháng 8/2014, tôi đã chi 500 ngàn euro, và tương lai vẫn còn phải chi tiếp cho công tác quảng bá.
* Kế hoạch phát hành Đập cánh... sẽ thế nào?
- Tôi biết thời gian này trong nước đang xôn xao vì bộ phim 21 tỷ đồng Sống cùng lịch sử không bán được vé. Nhiều ý kiến cho rằng, hãng phim và đạo diễn đã không chú ý đến khâu phát hành. Khi người dân bỏ tiền đóng thuế ra cho đoàn làm phim thì họ có quyền đòi hỏi. Còn phim Đập cánh... của tôi rất khác. Nó được làm bằng quỹ công của 3 nước Đức, Pháp, Na Uy và 1/3 còn lại là tiền từ Công ty Vblock Media của tôi bỏ ra.
Tôi đã lao động cật lực nhiều năm trước để Đập cánh... có một “sổ tiết kiệm”. Do đó tôi không bị ràng buộc bởi những yếu tố như thu hồi vốn. Tôi cũng không ép mình làm ra một bộ phim thật bản địa hoặc thật erotic (gợi tình) để “chiều” các “bạn Tây” như mọi người vẫn nghĩ. Tôi đã hoàn thành trách nhiệm với nhà sản xuất nước ngoài, làm bộ phim với nguồn vốn minh bạch, và đưa được phim đi LHP.
* Dường như truyền thông đã khiến chị bị ảnh hưởng khá nhiều. Nếu không chịu áp lực sao khi về Việt Nam chị nhất định “trốn” báo chí?
- Bản thân tôi không bao giờ muốn khoe khoang về công việc của mình và cũng không muốn giải thích nhiều.
Sang tới Venice, đoàn Đập cánh... chỉ có 3 người, và là đoàn duy nhất không có phóng viên đi cùng. Anh Paulo chuyên tuyển phim ở châu Á đã rất kinh ngạc vì chúng tôi không có poster, không tổ chức họp báo. Thực tế tiền đã dồn hết vào phim, trước khi đi LHP tôi còn phải hoàn thành phim, không còn thời gian lo bất cứ thứ gì khác.
Mấy năm trước nhìn đoàn Cánh đồng bất tận đi LHP Pusan, chỉ có ngôi sao được mời, diễn viên chính không được đi, tôi tự hứa là sau này phải đối xử công bằng với diễn viên. Nhưng đến lúc chuẩn bị đi LHP thì gia đình có người ốm, tiền gần như cạn. Khoảng 10 ngày trước khi lên đường tôi mới có tiền đặt vé cho diễn viên Thùy Anh, giá vé đắt gấp đôi so với dự kiến, không còn gì xui hơn, nhưng tôi không thể để cô ấy thất vọng.
* Để đánh giá một cách công bằng về giải thưởng chị gặt hái được, chị sẽ nói gì?
- Buổi chiếu Đập cánh... ở Tuần phê bình phim quốc tế Venice là buổi chiếu đông nhất trong số 7 phim tranh giải. Tôi không biết có phải là nhờ bài giới thiệu rất hay của Ban tổ chức, và có một nhà phê bình uy tín ở Italy đánh giá đây là phim gây sốc nhất tại tuần lễ phê bình hay không. Họ căn cứ theo chất lượng phim từng năm để trao 2 giải. Có năm trao giải Phim hay nhất, có năm trao giải Kịch bản xuất sắc nhất, Hình ảnh đẹp nhất, Diễn viên nữ, nam xuất sắc nhất. Tôi luôn nghĩ Đập cánh... có thể đoạt giải hình ảnh đẹp vì tôi rất tự hào về quay phim Phạm Quang Minh, hoặc giải cho nữ diễn viên chính.
Cuối cùng Đập cánh... được trao giải Phim xuất sắc nhất. Với tôi đây là một giải thưởng thực sự, vì do những người có chuyên môn đánh giá.
* Chị nghĩ sao khi những nhà làm phim trong nước cho rằng phim của các nhà làm phim độc lập hiện nay, trong đó có phim của chị thiếu bản sắc Việt Nam, những câu chuyện không điển hình, quá nhỏ bé và mãnh lực vượt lên số phận của các nhân vật quá yếu?
- Tôi còn biết nói gì được nữa. Mỗi giai đoạn lịch sử có quan điểm sáng tác khác nhau. Đã có thời, văn hóa nghệ thuật chủ yếu nói về cái “ta” thay vì cái “tôi”, tập thể được đề cao hơn cá nhân... Nhưng bây giờ thế giới quan tâm hơn đến những câu chuyện mang tính nhân loại. Bạn nói câu chuyện này nhỏ lắm, không điển hình, nhưng chính cái sự không điển hình trong mắt bạn lại chân thực, thân quen, có phổ rộng với mọi người. Hầu hết các câu chuyện có tính lay động toàn cầu đều đến từ bi kịch be bé trong mắt nhìn của mọi người bây giờ.
Khi bắt đầu làm phim, tôi không đặt ra mục tiêu phải làm một phim có tầm lớn lao, có thể một ngày nào đó tôi sẽ làm, nhưng bây giờ nếu có làm phim thì trước hết câu chuyện đó phải làm tôi lay động.
* Chị nghĩ thế nào về môi trường làm phim trong nước, môi trường này có phù hợp với chị?
- Tôi nghĩ về mặt tâm lý, con người của tôi thích nghi hoàn hảo với Việt Nam, tống tôi ra môi trường khác tôi sẽ không chịu nổi. Môi trường Việt Nam rất “OK” với tôi. Trong tất cả trường hợp các nhà làm phim thấy khó, tôi lại thấy dễ. Những thứ mọi người vẫn sợ như chuyện kiểm duyệt phim thì tôi lại thấy không đến nỗi nào.
Cá nhân tôi thì chưa cần Hội đồng duyệt phim nói tôi đã hiểu rồi. Cần gì phải để hội đồng lo lắng tôi thực hiện những cảnh lõa thể xúc phạm phụ nữ. Tôi là phụ nữ mà, khi tôi làm phim với Thùy Anh vào năm cô ấy 14 tuổi tôi đã rất muốn cô ấy đóng Đập cánh..., nhưng tôi phải chờ cô ấy đủ 18 tuổi. Tôi là người sợ bạo lực làm tổn thương đến trẻ nhỏ, người già, nên chưa cần tới luật, tự trong tôi đã có màng lọc. Tôi vẫn nghĩ, nghệ thuật là sự mềm mại hóa các loại luật.
* Tôi vẫn còn nhớ khoảng 10 năm trước khi cả xã hội lên án nữ diễn viên Yến Vy khi cô ấy bị lộ clip sex thì chị vác máy đi làm phim về cô ấy. Ngay từ thời mới ra trường dường như chị đã có cách suy nghĩ rất khác với bạn đồng trang lứa?
- Hồi đó tôi làm cho Vietnamnet TV, vì yêu làm phim cuồng nhiệt mà không có cơ hội nên buộc lòng tôi phải làm phim với cuộc đời. Tôi đã làm phim tài liệu Những khoảng trời riêng bị đánh cắp, có phỏng vấn diễn viên Yến Vy, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung. Năm đó chưa có khái niệm ăn khách, chỉ thấy cần là làm. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được kịch bản phim nào hay được như những câu chuyện ngoài cuộc đời. Đập cánh... cũng chính là rất nhiều câu chuyện đời tôi cóp nhặt được. Những câu chuyện đó đã ám ảnh mình, khi đưa lên màn ảnh tôi đã mã hóa nó theo một cách khác.
Đập cánh giữa không trung đã giành được giải Phim hay nhất từ Liên đoàn Các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA), Tuần phê bình phim quốc tế Venice, LHP Venice. |
Ngạc nhiên vì Đập cánh... bị cho là phim về tình dục “Tôi lấy làm lạ khi phim Đập cánh... chưa chiếu, nhưng mọi người có xu hướng nói phim này làm về tình dục. Tôi sợ lúc phim ra mắt, khán giả xem không thấy đúng thế lại thất vọng. Tôi bắt đầu sợ khi phải đọc báo, không hiểu vì sao mọi người giật tít, bằng mọi giá phải có được chữ sốc, sex, bạo lực, có câu hỏi tu từ hạ thấp hoặc tôn vinh người khác” - đạo diễn Hoàng Điệp. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags