(Thethaovanhoa.vn) -Như TT&VH đã đưa tin, từ ngày 5 đến 10/9/2013 tại TP.HCM, Festival các trường sân khấu quốc tế - Khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ diễn ra, với sự tham dự của 15 trường đào tạo sân khấu chuyên nghiệp của 10 quốc gia, vùng lãnh thổ.
TT&VH có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương, nhà tài trợ và là trưởng BTC của festival này.
“Sân khấu biểu diễn Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, đang rất cần những cơ hội tốt để mở rộng giao lưu quốc tế, qua đó nhìn lại mình và định vị những bước đi đúng đắn cho tương lai” - Lê Quý Dương nói.
Một không gian học thuật
* Sẽ rất tốn kém với một đơn vị tư nhân khi tài trợ và tổ chức festival này. Tham vọng của anh là gì?
- Tôi không có tham vọng festival sẽ tìm ra được một phương thuốc thần tiên để giải quyết ngay tức khắc các vấn đề chúng ta đang gặp phải. Bản thân các trường quốc tế cũng có những vấn đề của họ.
Giá trị của festival này chính là ở chỗ nó tạo nên một không gian mở cho các trường được chia sẻ kinh nghiệm với nhau, qua đó cùng tìm những hướng đào tạo đúng đắn và có hiệu quả. Đây là một sự đầu tư lâu dài và bền vững cho tương lai.
Đạo diễn Lê Quý Dương. Ảnh: Bùi Dzũ |
* Vì sao anh muốn festival này chỉ là chuyện của giới làm nghề với nhau?
- Festival sẽ hướng các giảng viên và sinh viên quốc tế tới một không khí đặc biệt tập trung để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nên sẽ có rất nhiều vấn đề không cần quảng bá rộng rãi tới công chúng. Bản thân sinh viên của các trường cũng chỉ muốn biểu diễn cho nhau xem chứ không muốn biểu diễn trước khán giả.
Tôi muốn hướng tới một nhận thức rằng: khi đã chính thức biểu diễn trước khán giả thì những người làm nên một buổi biểu diễn phải ý thức đầy đủ về tính chuyên nghiệp. Vẫn còn là sinh viên đang học mà đã vội đi biểu diễn thì rất không nên. Các giảng viên và sinh viên quốc tế hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Hơn nữa, khi không có khán giả thì sự chia sẻ và giao lưu nghề nghiệp sẽ thẳng thắn và sâu sắc hơn, hiệu quả học thuật sẽ sâu hơn.
Và chủ đề mở
* Trong các lần trước mà anh tham dự, festival thường xoáy vào những vấn đề gì? Riêng lần này thì sao?
- Chủ chốt vẫn là hệ phương pháp trong đào tạo nghệ thuật sân khấu biểu diễn, các kỹ năng cơ bản và giao lưu quốc tế. Khi tổ chức festival tại Việt Nam, tôi muốn đưa ra một chủ đề mở để các trường có thể thoải mái nhất khi trao đổi. Điều này rất quan trọng, vì có những vấn đề mà đồng nghiệp quan tâm cũng là vấn đề của chính chúng ta, và ngược lại. Và khi các vấn đề gặp mẫu số chung thì cách giải quyết sẽ được trao đổi từ rất nhiều góc nhìn khác nhau.
Mối quan hệ giữa bản sắc, truyền thống và sáng tạo hiện đại cũng là một chủ đề lớn của mỗi trường. Tôi nói mỗi trường vì một nước có thể có nhiều trường, với những cách tiếp cận và giải quyết vấn đề này rất khác nhau.
* Sân khấu châu Á có chiều sâu và truyền thống dài lâu, theo anh vì sao nhiều nước vẫn bế tắc trong việc tìm đất sống hay quảng bá quốc tế?
- Sân khấu luôn mang dấu ấn rất riêng của ngôn ngữ, của truyền thống nghệ thuật và di sản văn hóa. Tôi chưa tin có một kiểu sân khấu như một thứ sáng tạo và thưởng thức chung cho toàn thể nhân loại. Cho nên, sân khấu bế tắc trong việc tồn tại và quảng bá giữa một thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ là câu chuyện đã được kể khắp thế giới. Chính vì vậy, các festival có tính chuyên sâu như thế này sẽ có ý nghĩa hơn trong việc giao lưu, hỗ trợ, khai mở, định hướng và đặc biệt gây niềm cảm hứng cho các thế hệ trẻ, những người làm nên sân khấu tương lai.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa