Đạo diễn Lê Lâm: 'Khi dựng 'Công binh, đêm dài Đông Dương' nước mắt tôi ròng ròng'

Thứ Ba, 28/06/2016 07:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Khi tôi bắt tay vào dựng phim Công binh, đêm dài Đông Dương nước mắt của tôi chảy ròng ròng. Đây không chỉ là câu chuyện của 2 vạn thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp năm 1939 làm công binh, mà là câu chuyện của chính tôi, một người từng sống ở thời thuộc địa”- đạo diễn Lê Lâm chia sẻ.

Tháng 9 năm 1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức, Chính phủ Pháp đã cưỡng bức hai vạn thanh niên Việt Nam sang Pháp phục vụ cho chiến tranh. Những chàng thanh niên đó đã sống một cuộc đời đầy tủi nhục ở “mẫu quốc”. Theo thời gian họ gần như bị quên lãng, không ai biết họ sống chết ra sao.

Mãi đến năm 2009, khi cuốn sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939- 1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên của nhà báo Pháp Piere Daum xuất bản thì sự thật mới được phơi bày.


Đạo diễn Lê Lâm

Ngay khi cuốn sách này ra đời, đạo diễn Lê Lâm và nhà sản xuất của ông bên Pháp ngay lập tức mua bản quyền và bắt tay vào sản xuất. Năm 2013, đạo diễn Lê Lâm đã hoàn thành bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương và đi vòng quanh nước Pháp chiếu giới thiệu bộ phim này.

Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Lâm khi ông từ Pháp về Việt Nam vào ngày 9/6.


"Tôi quyết định để họ vô danh"

* Lý do gì khi cuốn sách của Pierre Daum ra đời, ngay lập tức ông mua bản quyền?

- Phim ảnh xưa nay về Đông Dương đều do người phương Tây làm với góc nhìn của họ. Với câu chuyện này, tôi muốn phải là người Việt làm. Do đó tôi đã mua bản quyền cuốn sách của ông Pierre Daum, với điều kiện tôi được toàn quyền viết kịch bản.

Cá nhân tôi khi làm phim sẽ cần một khái niệm, một triết lý nền tảng rồi mới tiến hành tìm đề tài. Sau khi làm xong 2 phần trong bộ ba phim Đông Dương, tôi rất bí đề tài cho phần ba.

Nếu phần một tôi làm phim với khái niệm: Nước, Mẹ, hình vuông, tình mẫu tử; phần hai là: Núi lửa, Bố, hình tam giác, tình phụ tử; thì phần ba tôi hướng tới: Đất nước, chiều dài, chiều ngang, cộng đồng. Sau khi đọc xong cuốn của ông Pierre Daum, tôi thấy đây chính là đề tài thích hợp hoàn hảo với khái niệm của mình.


Chân dung những người thanh niên Việt Nam bị đưa sang Pháp năm 1939

* Trước đó, ông đã từng có khái niệm gì về những thanh niên bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh không?

- Tôi là thế hệ chót sinh dưới thời thuộc địa, thuở bé đã từng biết đến chuyện người Việt mình bị bắt sang Pháp đi lính. Tới khi sang Pháp học, tôi có biết đến công binh Việt Nam nhưng không biết nhiều về họ cho đến khi đọc cuốn của ông Pierre Daum.

Khi gặp các bác công binh tôi mới biết, các ông đã sống hết phần đời tôi đã sống. Cuộc sống của tôi, quá khứ của tôi cũng giống một phần đời của các ông đã trải qua. Lúc đó, các ông đã già rồi, mình không kể lại câu chuyện của họ, mai mốt mình già ai sẽ nói?

Số phận của họ bi đát lắm, bạn ơi. Trong số 2 vạn thanh niên bị cưỡng bức sang Pháp năm 1939, 95% mù chữ, chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng. Sang Pháp họ bị đối xử như nô lệ. Sau khi Pháp thua Đức, họ tiếp tục làm việc như công nhân khổ sai.

Sau 1945, Pháp xâm lược Việt Nam, họ không thể về được. Rồi lại đến Mỹ xâm lược Việt Nam, những người công binh quê gốc miền Trung, miền Nam càng không về được. Ở Pháp lao động bao nhiêu năm nhưng họ không hề được nhà nước trợ cấp hay trả lương hưu.

Sau khi tôi làm bộ phim này, năm 2013, Thượng nghị viện Pháp đã mời tôi tới tham dự một cuộc thảo luận. Ở đó có khoảng 10 thành viên Thượng nghị viện muốn đấu tranh cho quyền lợi của các công binh Việt Nam. Trong vòng 1 tiếng tôi đã trình bày tất cả những gì tôi biết về công binh. Nhưng tiếc là tới giờ vẫn chưa có kết quả gì.


Phim "Công binh, đêm dài Đông Dương" của Lê Lâm

* Ông đã phải đối mặt với khó khăn gì khi làm đề tài này?

- Trong 2 vạn người đó, tôi chỉ tìm được 20 người thôi, lúc đó họ cũng 90 tuổi rồi. Trong lúc tôi dựng phim vài bác đã qua đời.

Tư liệu đặc biệt thiếu, những gì tôi có đều do các bác sinh sống bên Pháp còn giữ lại được. Những người về Việt Nam do chiến tranh bom rơi đạn lạc cũng mất hết tư liệu rồi.

Và khó nhất là phải giúp họ trở lại thời những năm 1940, hồi tưởng lại cái thời sang Pháp vẫn còn mù chữ, ngây thơ, không biết gì.

* Dù ông làm phim tài liệu, nhưng 20 nhân vật trong phim của ông đều không được đề tên. Tôi nhận ra trong số nhân chứng có một người rất nổi tiếng là họa sĩ Lê Bá Đảng. Cuối phim các nhân vật đều được đánh bằng mã số công binh của họ. Vì sao vậy?

- Khi họ sang Pháp, họ bị đưa đi phân tán ở nhiều vùng. Mỗi người không thể biết cuộc sống của những người còn lại. Trong phim tôi quyết định để họ vô danh, để câu chuyện của tất cả mọi người bình đẳng như nhau. Ghép các câu chuyện lại sẽ trở thành tiếng nói của một cộng đồng.

Sự dấn thân của đạo diễn Lê Lâm

 “Câu chuyện 2 vạn thanh niên Việt bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh, lịch sử Việt Nam có đề cập nhưng tư liệu rất ít và giới sử học cũng chưa có nghiên cứu sâu. Do đó tôi đánh giá rất cao công trình của các nhà nghiên cứu bên Pháp, cũng như sự dấn thân của đạo diễn Lê Lâm khi thực hiện phim Công binh, đêm dài Đông Dương. Nếu không có những nghiên cứu như thế này thì câu chuyện sẽ chìm vào quên lãng”  (Nhà sử học Dương Trung Quốc).

Khi hoàn thành bản dựng, tôi thuê một phòng chiếu, mời một bác công binh tôi thân thiết nhất tới xem. Sau khi xem xong, ông ấy không nhúc nhích. Mãi ông mới hỏi tôi: "Cháu kiếm đâu ra một anh diễn viên giống bác như đúc. Nội dung phim kể lại đúng thời bác sống?".

Tôi tưởng bác chế nhạo tôi. Sau đó tôi hỏi: "Bác không nhận ra bác à?". Sau 1 phút im lặng bác ấy nói: "Cháu ơi, bác đã sống một cuộc đời nô lệ làm sao bác tưởng tượng một ngày bác được lên màn ảnh".

Họ sống một cuộc đời khổ nạn không ai để ý đến họ suốt 40 năm. Với họ màn ảnh là một thế giới quá xa vời. Phản ứng của bác ấy ngày hôm đó là lời khen có giá trị nhất với tôi.

“Công binh" là câu chuyện của chính tôi...

* Trong phim, hầu hết các nhân chứng khi nói chuyện quá khứ, họ đã cười, rất ít nước mắt trong bộ phim này. Đó là thực tế, hay là chủ trương của đạo diễn?

- Là thực tế, bạn ạ. Báo chí Pháp cũng hỏi tôi điều đó. Những người đàn ông này cao thượng đến nỗi, dù họ đã trải qua một cuộc đời khốn cùng ở bên Pháp, họ không thèm "hận". Những người Pháp khi xem phim này nói giờ họ đã hiểu vì sao Việt Nam đánh thắng 2 đế quốc lớn.

Khi dựng phim này nước mắt tôi chảy ròng ròng. Những người công binh đã khiến tôi cảm thấy tôi thật tự hào vì là người Việt Nam. Với bộ phim này, tôi đã trả lời được cho nước Pháp, nơi tôi đang sinh sống và làm nghề điện ảnh, tôi đã trưởng thành.

* Dường như bộ phim đã giải phóng được những nỗi niềm, ẩn ức của cá nhân ông?

- Trong phim có một nhân chứng là con quan lại Việt Nam, có kể lại hồi bé đi dạo bị một đứa trẻ Pháp đánh, lúc đó mới hiểu mình là thân phận dân thuộc địa. Hồi bé, tôi cũng từng bị đánh như vậy, nhìn thấy Tây là sợ lắm.

Khi sang Pháp, mình cũng không thể tránh khỏi mặc cảm, vì người da vàng hay da đen bên đó không bao giờ được coi trọng như người da trắng. Tiếp xúc với lớp trẻ Việt Nam bây giờ tôi thấy họ rất tự tin, tôi rất mừng về điều đó.

Bộ phim này mới nói hết nỗi lòng tuổi thơ của tôi, chứ chưa nói hết được nỗi lòng của tôi khi trưởng thành. Tôi dự định sẽ làm phim sau giai đoạn 1975 trở đi. Tôi cũng có dự định tặng 120 giờ ghi hình phỏng vấn 20 nhân chứng công binh cho giới nghiên cứu của Pháp và Việt Nam.

* Ông có câu chuyện nào để kể trong chuyến đi giới thiệu phim vòng quanh nước Pháp không?

- Có một bà 60 tuổi đã gặp tôi nói: “Cảm ơn ông, tôi đã coi phim này 3 lần, lần nào cũng khóc. Đến bây giờ tôi mới hiểu được nguồn gốc của mình. Hồi bé đi học, tôi không hiểu tại sao tôi sinh ra tại Pháp nhưng vẫn bị trẻ con da trắng miệt thị. Mỗi lần tôi hỏi chưa bao giờ bố tôi trả lời tôi. Bây giờ tôi đã có thể giải thích cho cháu tôi, vì sao mắt nó lại có hình dáng như vậy”.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Đạo diễn Lê Lâm - Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học của Pháp

Đạo diễn, biên kịch Lê Lâm đã từng là giảng viên về môn kịch bản và đạo diễn tại trường Điện ảnh Pháp IDHEC-la FEMIS. Ông từng đảm nhiệm tổ chức Liên hoan Điện ảnh Nga tại tỉnh Nice năm 2008 và tỉnh Valence năm 2006.

Ông là một trong những người sáng lập đoàn kịch Atelierl’Epée de Bois, Paris.

Ông từng được trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học (Chevalier des Arts et des Lettres) của Bộ Văn hóa năm 1986; Đạo diễn gốc Việt duy nhất được Huy chương vàng LHP Quảng cáo Quốc tế Cannes 1988 và 1990.

Một số tác phẩm điện ảnh tiêu biểu:

Long vân khánh hội (1980): Huy chương vàng Liên hoan Lille 1981; Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Cannes 1981, Venise 1981, Amsterdam 1982, Berlin 1982.

Đế chế tan vụn (1983): Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Quốc tế Venice 1983, Montréal 1983, Berlin 1984, Los Angeles 1984, London 1984, New York 1984, Sydney 1984, Hong Kong 1984.

Hai mươi đêm và một ngày mưa (2004): Phim đồng sản xuất Pháp - Đức với ngôi sao Đức Natalia Worner và diễn viên Việt Kiều Eric Nguyen. Khai mạc LHP Quốc Tế Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).

Công Binh, đêm dài Đông Dương (2013): Giải thưởng Giám khảo LHP Quốc tế Pessac 2012, Giải thưởng Đặc biệt LHP Quốc tế Amiens 2012, Giải thưởng Khán giả chọn Liên hoan Việt Film Fest Anahein 2014; Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Quốc tế Amsterdam 2012, Goterborg 2013, Hong Kong 2013, Alger 2013.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›