Đạo diễn Hứa An Hoa: Nuôi mộng Oscar với 'Golden Era'

Chủ nhật, 05/10/2014 13:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 2014 được coi là một năm thành công của nhà làm phim Hong Kong (Trung Quốc) Hứa An Hoa. Bà vừa được trao giải Nhà làm phim châu Á của Năm tại LHP Quốc tế Busan và phim The Golden Era (Hoàng kim thời đại) của bà được chọn là đại diện điện ảnh Hong Kong tranh giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất.

The Golden Era là bộ phim tiểu sử về nữ nhà văn Tiêu Hồng của Trung Quốc. Phim tập trung mô tả 10 năm trong cuộc đời của Tiêu Hồng, từ khi bắt đầu sự nghiệp viết văn cho tới khi bà qua đời vào năm 1942.

Dự án điện ảnh tốn kém và hoài bão nhất

Năm 1930, Tiêu Hồng đã trốn chạy khỏi Bắc Kinh để thoát khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt. Tuy nhiên bà vẫn bị vị hôn phu theo đuổi. Năm 1932, sau khi Tiêu Hồng có bầu, vị hôn phu đó đã bỏ mặc bà trong một nhà trọ ở Cáp Nhĩ Tân. Bà đã suýt bị chủ nhà trọ bán cho một nhà thổ, sau khi đôi bên cãi vã nhau về tiền thuê nhà trọ.

Khốn khổ, cô đơn và bụng mang dạ chửa, Tiêu Hồng phải tìm đến một tờ báo địa phương, xin được giúp đỡ. Chủ bút của tờ báo là Tiêu Quân đã cứu bà. Từ đó, họ bắt đầu sống cùng nhau. Đây cũng là thời kỳ Tiêu Hồng bắt đầu viết văn. Năm 1933, bà viết các truyện ngắn TrekTornado. Trong cùng năm đó, bà và Tiêu Quân in chung tuyển tập truyện ngắn Bashe (Arduous Journey).

Đạo diễn Hứa An Hoa

Tháng 6/1934, 2 người tới Thanh Đảo và 3 tháng sau đó Tiêu Hồng viết cuốn tiểu thuyết dài The Field of Life and Death. Cuốn truyện này kể về cuộc sống đầy khổ ải của những người phụ nữ làm nghề nông. Đây là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên phản ánh cuộc sống của người dân dưới cách cai trị của quân đội phát xít Nhật Bản. Nhà văn Lỗ Tấn từng tuyên bố tiểu thuyết này “có lối viết vô cùng độc đáo, thể hiện sự quan sát tỉ mỉ của một nhà văn nữ”.

Sau khi trôi dạt khắp Trung Quốc trong nhiều năm, Tiêu Hồng qua đời vào năm 1942, hưởng thọ 30 tuổi. Bà chết tại một bệnh viện ở Hong Kong, trong sự hỗn loạn của chiến tranh. Mặc dù qua đời khi còn rất trẻ, Tiêu Hồng đã kịp cho ra đời nhiều truyện ngắn và tiểu luận, trong đó có The Bridge (1933) và Tales of Hulan River (1944).

Có thể nói The Golden Era là dự án điện ảnh tốn kém nhất và hoài bão nhất của đạo diễn Hứa. Tại buổi chiếu giới thiệu phim ở Bắc Kinh, Hứa An Hoa cho biết The Golden Era là phim nghệ thuật mang tính thử nghiệm. Bà đã có những hướng tiếp cận mới trong cách kể chuyện.

Chẳng hạn nhân vật trong phim đột nhiên hướng vào máy ghi hình, nói như thể họ đang là người kể chuyện với khán giả hoặc như đang trả lời phỏng vấn. Điều này liên tục nhắc khán giả rằng, họ đang xem một bộ phim, khiến họ khó chìm đắm vào thế giới do các nhà làm phim tạo nên.

Một tác phẩm hết sức công phu

Đạo diễn Hứa An Hoa đã giao vai chính Tiêu Hồng cho Thang Duy và Tiêu Quân cho Phùng Triệu Phong. Phim đã nhận được nhiều lời bình luận trái chiều kể từ khi được trình chiếu tại LHP Quốc tế Venice lần thứ 71, không chỉ bởi sự tinh tế, nhạy cảm và độ dài mà còn bởi cách kể chuyện đều đều, không có tính cao trào.

Bộ phim còn nói về đời sống tình yêu của Tiêu Hồng. Để có thể mô tả chân thực nhất về điều này, đạo diễn Hứa An Hoa đã tham khảo rất nhiều bài viết của nhà văn và các bức thư Tiêu Hồng gửi cho bạn bè.

Thang Duy và Phùng Triệu Phong thủ diễn trong phim The Golden Era

“Tôi không bị áp lực lớn khi làm phim về Tiêu Hồng. Mỗi đạo diễn làm phim với những nhãn quan khác nhau. Trước hết, tôi muốn mô tả bà ở vai trò một nhà văn. Nhưng tôi còn muốn mang đến cho khán giả cơ hội được biết đến Tiêu Hồng từ các góc nhìn khác, như cách mà bày tỏ cảm xúc cá nhân trong những lá thư trao đổi với bạn bè" - bà nói.

Để chuẩn bị cho dự án điện ảnh này, đạo diễn Hứa An Hoa và ê-kíp làm phim đã tham khảo hơn 100 tư liệu lịch sử và nghiên cứu hơn 10.000 bức ảnh. Sau 3 năm rưỡi họ mới hoàn thành bộ phim.

Theo đạo diễn Hứa, Tiêu Hồng không sinh ra trong thời đại hoàng kim, song bà đặt tên phim như vậy dựa theo nội dung một bức thư Tiêu Hồng viết cho Tiêu Quân: “Trong sự im lặng này, có điều gì đó đột nhiên hiện ra trong tim em, giống như một hồi chuông báo động. Liệu đây có phải là thời đại hoàng kim của em không?”

Phim quy tụ một dàn diễn viên toàn sao, với sự góp mặt của hơn 30 diễn viên nổi tiếng. Nhà sản xuất Đàm Hoành cho biết, nhiều diễn viên đã từ chối nhận cát-xê sau khi đọc kịch bản phim.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›