(Thethaovanhoa.vn) - Đỗ Thành An thuộc thế hệ điện ảnh 7X, vốn đông đảo hiện nay, nhưng anh có vẻ suôn sẻ với nghề vì đã làm được một phim chiếu rạp và năm phim truyền hình. Anh đang chuẩn bị casting phim chiếu rạp thứ hai, một phiên bản khác từ tiểu thuyết (tự truyện) Mặt nạ của Tinna Tình, dự kiến sẽ rất nóng.
Trước khi đi vào bài phỏng vấn chính, hẳn mấy ngày qua độc giả cũng quan tâm đến vụ lùm xùm về vụ nợ cát-sê của phim truyền hình Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn (30 tập, do Hãng phim Hải Sơn Lâm sản xuất, đang chiếu trên SCTV14 lúc 18h45 hằng ngày). Phim này do Đỗ Thành An đạo diễn, khiến anh cũng đau đầu, sợ ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Anh chia sẻ: “Dù nguyên do của việc nợ cát-sê không phải do tôi, nhưng tôi khá buồn, bởi đó là điều chẳng hay ho gì, ảnh hưởng hầu hết mọi người. Bước vào lĩnh vực làm phim truyền hình thì mọi người sẽ hiểu chuyện tiền nong nhiều khi cũng phức tạp, tế nhị lắm, vấn đề là cách ứng xử với nhau thế nào cho vui vẻ mà thôi”.
“Hơn nữa, phim chiếu suất 18h45 đã là thế kẹt, vì lúc ấy người xem ưu tiên cho nhiều việc khác, trong đó có bản tin thời sự quan trọng, nên có thể rating chưa cao, khó thu hút nhiều quảng cáo, việc thu tiền về cũng gặp khó khăn. Nay gặp thêm chuyện lùm xùm này, chỉ mong mọi việc êm xuôi để còn yên tâm làm việc, bởi phim truyền hình mỗi năm cả 6.000 tập, mọi người còn gặp lại nhau hoài hoài”.
* Dự kiến tháng 10/2015 anh sẽ bấm máy phim chuyển thể từ tiểu thuyết Mặt nạ của Tinna Tình. Dự án này khác Mất xác trước đây nhiều không?
- Với phim điện ảnh đầu tay Mất xác, kinh phí thấp, tôi xem đó là nền tảng cho chặng đường dài sáng tạo. Còn với Mặt nạ, thật sự là một thử thách, bởi tiền đầu tư cho phim nhiều hơn, yêu cầu về chất lượng cao hơn, độ phức tạp cũng nhiều hơn. Do vậy, sau Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn thì tôi dành khá nhiều thời gian cho Mặt nạ, với hi vọng nó có được dấu ấn, được khán giả đón nhận, để con đường điện ảnh của mình thêm thuận lợi.
* Tiểu thuyết Mặt nạ xoáy vào các chiêu trò xấu của giới showbiz Việt như chơi bùa ngải, dùng thủ đoạn hại người, rồi cả hại mình. Anh khai thác nó thế nào?
- Tuy tôi và Tinna Tình viết chung kịch bản Mặt nạ, nhưng tiểu thuyết của cô ấy chỉ là cảm xúc ban đầu để chúng tôi hình thành câu chuyện phim. Sau đó, tôi và nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa của Saiga Films còn chỉnh sửa rất nhiều trong suốt một năm qua, cho đến nay Mặt nạ của tôi về các tình tiết chính không liên đến Mặt nạ của Tinna Tình.
Trong phim này, chúng tôi không khai thác về showbiz hay bùa ngải, mà là câu chuyện ly kỳ về một người đàn ông lên kế hoạch trả thù, rốt cuộc lại thành nạn nhân của sự trả thù ấy. Vì vậy, “mặt nạ” trở thành một khái niệm để chỉ về lối sống giả tạo, nhằm che mắt thiên hạ, để rồi khi có những điều không may xảy ra lại đổ lỗi và trả thù lẫn nhau.
* Tại sao anh có vẻ thích những tựa đề phim bám vào thời sự như “mất xác”, “like”, “mặt nạ”?
- Bởi tôi muốn tác phẩm của mình mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, tôi thuộc thế hệ đạo diễn trẻ, nên thích nói về cuộc sống hiện tại và tương lai, hơn về quá khứ. Trong Like: Tình yêu - thời trang - khăn rằn, tuy chữ “like” vốn quen với người dùng mạng hiện nay, nhưng nó lại là gu riêng của nhân vật chính Thu An (do Dương Cẩm Lynh thủ vai), cô ấy tạo ra nhãn hiệu Like, rồi phong cách “thời trang khăn rằn”. Việc tìm cách chiếm đoạt Like là mạch chính của phim, chứ không phải việc bấm like trên mạng. Còn trong Mặt nạ, nơi nhân vật phản diện - kẻ âm mưu giết người hàng loạt để trả thù cho cuộc tình bí ẩn - sẽ vào vai chính, thì cái mặt nạ ấy không hề là chuyện của riêng giới showbiz.
* Phim đầu tay “Mất xác” của anh được cho là “ăn theo” vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Lần này ở “Mặt nạ” lại là một kẻ giết người hàng loạt vì hận tình, liệu phim có liên quan gì tới vụ thảm sát ở Bình Phước vừa gây chấn động dư luận?
- Tôi không làm phim “ăn theo” vụ thảm sát Bình Phước. Nhưng có lẽ, khán giả phải xem phim mới biết được... (cười).
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags