(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2003, khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng (Bình Định) được chính quyền địa phương giao Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn quản lý, bảo vệ và khai thác. Mới đây công ty trên đã xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu với quy mô lớn ngay trong khu vực bảo vệ I của danh thắng quốc gia này, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Điều đáng nói là, từ UBND tỉnh đến Sở Xây dựng Bình Định đều cho rằng việc xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng là không sai, nhưng cơ quan quản lý di tích trên địa bàn lại cho biết như thế là vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa.
- Danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa có thêm điểm tham quan
- Danh thắng quốc gia thác Dray K’nao bị xâm hại nghiêm trọng
Doanh nghiệp nghĩ là được xây?
Tiến hành xây dựng mới và đưa vào hoạt động tháng 5.2019, Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn đã không ngần ngại rầm rộ quảng cáo về nhà hàng Hoàng Hậu được xây dựng ngay trong khu vực bảo vệ I danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng. Có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy công trình nhà hàng có quy mô lớn nằm trên chỏm núi; du khách và xe ô tô ra vào nườm nượp. Lý giải vì sao nhà hàng Hoàng Hậu lại được phép xây dựng trong khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng, ông Lê Phương, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự (người đại diện trả lời) của Công ty Cổ phần Sài Gòn-Quy Nhơn cho biết, nhà hàng Hoàng Hậu được chỉnh trang, sửa mới với diện tích khoảng 300-400 m2 và đi hoạt động từ tháng 5.2019. Cũng theo ông này, trước đây Bộ VHTT (nay Bộ VHTTDL) đã có văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh Bình Định và cứ ngầm hiểu là trong quy hoạch có khu nhà trung tâm thì được phép xây dựng nhà hàng.
Ông Lê Phương còn cho rằng, việc nhà hàng được xây dựng để phục vụ, đáp ứng nhu cầu cho du khách khi đến nơi đây tham quan. Với lại Công ty đã bỏ ra một phần vốn vào khu di tích Ghềnh Ráng để bảo vệ cho nên cần kinh doanh kiếm lãi, thu hồi vốn đã đầu tư. Thế nhưng theo Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, việc doanh nghiệp xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu ngay trong khu vực bảo vệ I di tích Ghềnh Ráng, trong đó có di tích bãi tắm Hoàng Hậu là không đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa vì nơi đây tuyệt đối cấm mọi hoạt động xây dựng. Không một tổ chức, cá nhân nào được tự tháo gỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích.
Xây dựng nhà hàng, có đúng quy hoạch?
Trước câu hỏi, Ghềnh Ráng là danh thắng quốc gia vì thế việc xây dựng nhà hàng bên trong khu bảo vệ di tích có đúng với quy định, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho rằng, trước đây nhà hàng Hoàng Hậu đã được xây dựng trong khu di tích Ghềnh Ráng. Trải qua thời gian nhà hàng đã xuống cấp nên doanh nghiệp mới chỉnh trang, sửa chữa lại. Doanh nghiệp xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Đây là danh thắng cấp quốc gia chứ không phải di tích lịch sử, văn hóa cho nên có thể ai đó đã nhầm lẫn về việc bảo tồn cũng như khu vực bảo vệ di tích. Ở đây, vấn đề quản lý danh thắng là phải làm sao khai thác và phát huy giá trị của danh lam thắng cảnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Quy Nhơn xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu trong khu di tích, danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng là đúng quy hoạch của tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, qua phản ánh của cơ quan báo chí UBND tỉnh sẽ kiểm tra lại việc Công ty Cổ phần Sài Gòn-Quy Nhơn xây dựng nhà hàng trong khu di tích Ghềnh Ráng. Trong khi đó, một cán bộ của Sở VHTT Bình Định lại than thở, trong khu di tích nếu có cho phép xây dựng thì chỉ là căng tin có diện tích nhỏ để phục vụ cho du khách. Điều quan trọng hơn, xây dựng thì phải cách xa khu vực bảo vệ I của danh thắng chứ không thể án ngữ công trình có quy mô lớn như thế.
Khi được hỏi về công tác quản lý việc xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu trong khu di tích, danh thắng Ghềnh Ráng, ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng Hợp Bình Định cho hay: “Giám sát, thanh tra xây dựng nhà hàng trong khu di tích là trách nhiệm của Sở Xây dựng vì UBND tỉnh đã giao cho Sở này”. Nhưng ông Bùi Tĩnh cũng cho biết, việc nhà hàng Hoàng Hậu tồn tại lâu nay và được chỉnh trang, xây mới mới để kinh doanh là không đúng. Công ty này đang xâm phạm nghiêm trọng đến di tích.
Vào năm 2004, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản lưu ý đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn-Quy Nhơn, khi xây dựng phải đảm bảo giữ gìn môi trường, cảnh quan quan trọng của khu thắng cảnh, hạn chế đến mức thấp nhất việc san đi mặt bằng xây dựng. Thế nhưng đến nay, việc nhà hàng Hoàng Hậu xây dựng trong khu di tích có đúng không, các cơ quan, chức năng tỉnh Bình Định có thường xuyên thanh tra, kiểm tra? Phải chăng tỉnh đang buông lỏng, “ưu ái” cho doanh nghiệp làm sai, xâm hại nặng đến di tích cũng như công tác bảo tồn di tích?
Phan Hiếu/Báo Văn hóa
Tags