(Thethaovanhoa.vn) - Như mọi năm, giải Nobel văn chương chưa kịp treo lên cổ người may mắn lấy một phút thì đã có tiếng phản đối rào rào, và dĩ nhiên cạnh đó là hàng triệu bạn đọc khác vỗ tay.
- Giải Nobel Văn học 2016: Điều gì xảy ra nếu Bob Dylan vẫn... lặng im?
- Bob Dylan không nói nửa lời đến giải Nobel Văn học tại màn diễn ở Las Vegas
- Nhà văn Việt nói về giải Nobel của Bob Dylan
Mấy chục năm sau, ở tuổi 75, Bob Dylan vẫn ấm ức, vì sao bị gọi là Juds, và có lẽ giải Nobel văn chương 2016 cũng khó an ủi được thi sĩ kiệm lời này.
Chẳng cần phải đọc "Phúc âm Đồng quan" hay "Công vụ Tông đồ"...
… mới biết Judas là ai. Hình tượng này có khả năng làm biểu tượng đến nỗi hầu hết các ngôn ngữ trên thế gian này đều dùng nó để chỉ ra hành vi phản bội bỉ ổi ở mức cao nhất. Judas Iscariot được trao nhiệm vụ giữ tiền của các môn đệ khác, nhưng đã vì 30 đồng bạc mà phản bội Jesus, để rồi kết cục Người bị lính La Mã đóng đinh lên thập giá.
Giờ thì ta phải nhảy một bước lớn trong lịch sử để đến với ngày 17-5-1966, vào nhà hát Free Trade Hall của Manchester xem hoà nhạc. Giữa hai bài hát, trong khi các nghệ sĩ trên sân khấu chỉnh lại đàn và uống nước, chợt một tiếng hét chói tai nổi bật giữa không khí ồn ào: “Judas!” Vâng, Judas, kẻ phản bội - tiếng hét đó dành cho Bob Dylan, ca sĩ và nghệ sĩ guitar, người lữ hành với chiếc kèn harmonica nức nở, luôn trong tâm trạng chán nản và đôi khi chỉ muốn bỏ âm nhạc để làm thơ.
Mấy chục năm sau, ở tuổi 75 Bob Dylan vẫn ấm ức, vì sao bị gọi như thế, và có lẽ giải Nobel văn chương 2016 cũng khó an ủi được thi sĩ kiệm lời này.
Bob Dylan và Judas? Ông đã phản bội ai? Quê hương? Vợ? Hay cây guitar acoustic? Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Rolling Stone mới đây, ông còn nhắc tới tiếng hét đó và nói: “Làm sao có thể ví tôi với một kẻ phản Chúa và góp tay đưa Người lên câu rút?”
Tiếng hét “Judas!” dường như đã thành một cấu thành mặc định trong huyền thoại Bob Dylan, hệt như giai thoại về cú tai nạn mô tô biến ông thành con người khác.
Tối thiểu có hai người nổi tiếng...
… cả quyết đã hét “Judas!” vào mặt Bob Dylan ngày ấy, nhưng chuyện ấy không quan trọng lắm. Cho đến tận thập kỷ 1990 người ta biết đến hai băng thu âm làm minh chứng cho tiếng hét phẫn nộ. May cho Dylan, trong đám khán giả có cả ban nhạc Beatles và Rolling Stones, họ suỵt ngay để giữ trật tự.
Sau đó Dylan quay về Mỹ để viết chương tiếp theo trong huyền thoại về chính mình, bắt đầu năm 1963 với chuyến lưu diễn dọc Hoa Kỳ, được coi là cầu nhảy cho giọng ca phản kháng mới nổi, người kế nhiệm xứng đáng của Woody Guthrie, được Pete Seeger hết lòng bảo trợ, người hùng của nhạc folk bên cạnh Joan Baez.
2 năm sau, liên hoan nhạc folk ở Newport, Bờ Đông. Khán giả quỳ dưới chân Dylan đợi tiếng guitar gỗ đệm cho giọng hát phản đối vũ khí hạt nhân. Nhưng Dylan làm gì? Cắm điện và để cho âm thanh nổi lên như sấm, át cả ca từ bài Maggie’s Farm.
Bob Dylan sau cặp kính đen, hình như phê thuốc, gào lên là không muốn làm việc ở nông trại đó nữa. Ai có thiện chí với Dylan, có thể nghĩ nông trại đó là ám chỉ kinh tế Mỹ.
Nhưng cũng có thể Dylan đã ngán mọi phản kháng, mệt mỏi vì lúc nào cũng phải chiến đấu với mọi điều phi lý trên thế giới này. Như mọi khi, đến tận hôm nay, Dylan không nói gì giữa các bài hát, huống hồ là giảng giải – người nghệ sĩ không giải thích, mà để tác phẩm tự đưa ra thông điệp.
Buổi biểu diễn ở Newport hôm ấy chìm đi trong tiếng chửi rủa và huýt sáo. Nghe đồn chính Pete Seeger vớ lấy chiếc rìu toan chặt dây cáp dẫn điện để bịt mồm đứa học trò nghịch tử của mình. Quá muộn. Bob Dylan, ngôi sao guitar điện đã mọc.
Trong mắt và trong tai...
… những người hâm mộ chung thuỷ nhất, Dylan đã phạm một tội báng bổ là từ nhạc folk nhảy sang nhạc rock. Hay ông muốn vớt lấy cái tốt nhất từ hai lĩnh vực một cách vụ lợi. Hôm ở Newport ông chơi khá èo uột bài Like A Rolling Stone, sau này được tính vào các tác phẩm pop hay nhất mọi thời, nhưng đối với các fan ruột của ông thì đó là sự tha hoá hiển hiện qua tăng âm điện và thương mại hoá.
Lời trách cứ ấy đeo đuổi Bob Dylan suốt chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 1966. Các fan của Dylan ở châu Âu cũng phẫn nộ bởi một Bob Dylan bán mình cho quỷ dữ. Dường như ông cố chiều lòng khán giả bằng nửa đầu chơi guitar acoustic và nửa sau rock, nhưng trong giờ giải lao giữa hai hiệp khán giả bỏ về ào ào.
Ở Paris, vốn toàn những người không thân thiện với Anh ngữ, họ đón Dylan bằng tiếng hô tập thể “Ami go home!” hướng lên sân khấu. Đơn giản là ông quá ầm ĩ, rời xa khởi đầu thơ mộng ngày xưa của mình. Châu Âu thực ra cũng chẳng bị choáng: ở thời điểm ấy Rolling Stones còn ầm ĩ hơn Beatles, Who ầm ĩ hơn Stones, Dave Clark Five ầm ĩ nhất – cho đến khi Dylan đến với bộ tăng âm từ California và gào át tất cả.
Có lẽ đã đến lúc
… đặt câu hỏi ngược lại: tại sao Bob Dylan phải trung thành với chính mình? Giải Nobel văn chương năm nay không được hiểu là đã hết các ứng viên văn chương kinh điển. Mà nó là sự tôn vinh sự nghiệp cả đời một nghệ sĩ đã viết các bài thơ với tác động vượt qua khuôn khổ ca từ bình thường.
Theo uỷ ban xét giải Nobel ở Oslo, sáng tác ca từ của ông chứa ảnh hưởng lớn tới văn chương đến mức họ phải lấy giải văn chương mà lẽ ra đem tặng cho một nhà văn!
Dylan cũng không bị nghi là được giải nhờ tầm vóc chính trị của mình, như giải năm ngoái chẳng hạn, trao cho nữ nhà văn Bạch Nga Svetlana Alexievich, mà ông được coi là một thi sĩ lớn biết cách gói tư tưởng của mình vào những nốt nhạc. Sự kiện này lần đầu tiên diễn ra ở giải Nobel văn chương.
Người ta có thể đồng tình hay thất vọng, như sau mỗi lần trao giải hằng năm. Nhưng sự thực là Bob Dylan xếp hàng chờ giải cũng lâu như Haruki Murakami.
Judas, như đã nói, là cái tên bị ghét nhất trong dân gian. Nhưng trong lịch sử tôn giáo lại không thể thiếu: Không có sự phản bội của Judas thì không có Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, hay nói cách khác, không có Judas thì không có Cơ đốc giáo.
Chúc mừng ông, Bob Dylan!
Đón đọc bài tiếp: Bob Dylan với cành nguyệt quế và đàn lyre
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags