(Thethaovanhoa.vn) - 1. Đã qua trăm ngày những chiến sĩ trên trực thăng Mi - 171 hi sinh khi làm nhiệm vụ. Ở nơi các anh ngã xuống, người dân thôn Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã làm lễ cúng bách nhật theo phong tục.
Dù không họ hàng, thân thích, nhưng những người dân trong thôn không ai bảo ai, tự nguyện mỗi người một tay góp công góp của làm lễ tưởng nhớ các anh một cách chu toàn.
Hàng ngày, nơi các anh ngã xuống đều có người dọn dẹp, hương khói. Ngày mùng 1, ngày rằm các cụ già đều làm mâm cơm cúng các anh. Chính quyền và nhân dân địa phương có tâm nguyện xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ ở đây, để tưởng nhớ các chiến sĩ đã kịp thời đưa máy bay ra khỏi khu vực dân cư, đảm bảo tính mạng của đồng bào.
19 chiến sĩ đã ngã xuống, đau thương mất mát là quá lớn lao, các anh ra đi khi còn quá trẻ. Giờ đây, những người cha, người mẹ của các cán bộ chiến sỹ sẽ thiếu vắng hình ảnh của người con trai, chỗ dựa cho tuổi già. Người vợ và người con thiếu đi trụ cột trong gia đình. Sự hy sinh của các anh đã để lại niềm xúc động thương tiếc trong lòng nhân dân.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng. Trần Đăng Khoa đã viết như thế về những người lính. Trong hòa bình, nhưng các anh luôn phải sẵn sàng cho chiến đấu và sự hy sinh là điều không thể khác được. Mấy ngày trước, trên biển Đông, thượng úy Dương Văn Bắc đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK 1/11. Khi kiểm tra hệ thống thiết bị tại nhà giàn, vì sóng to, gió lớn, anh Bắc đã ngã xuống biển. Đồng đội anh lập tức cứu vớt anh lên và tổ chức cấp cứu, tuy nhiên đã không kịp.
2. Những chiến sĩ đã yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ, nhưng các anh vẫn mãi mãi sống trong lòng dân. Bởi trước khi hy sinh, họ đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính trên tuyến đầu, những người sẵn sàng đặt nhiệm vụ bảo vệ nhân dân trên sinh mạng của mình.
Nhân dân không bao giờ quên họ, cũng như dân tộc này chưa bao giờ vơi cạn lòng yêu nước. Nhớ lại những ngày tháng 5 năm nay, khi biển Đông dậy sóng, có những bác xe ôm, những chị bán ve chai, những người già hưu trí, những bác thương binh, những cháu nhỏ dành tiền tiết kiệm... mang đến ủng hộ cho các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo quê hương. Chính những người dân vô danh ấy đã “nuôi nấng” bao bọc các anh khi còn sống, khi phải đổ máu...
Ngày ngày, nơi các chiến sĩ hy sinh vẫn được người dân nhang khói phụng thờ. Đó là truyền thống yêu nước của dân ta. Tôi chợt nhớ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu được dân phụng thờ ở đền Trung Liệt, vẫn ngày ngày hương khói. Sao quên được những lời trong Hà thành Chính khí ca về tổng đốc Hoàng Diệu khi tuẫn tiết vì Hà Nội: Thương thay trong buổi gian nguy/ Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung/ Rủ nhau tiền góp của chung/ Rước người ra táng ở trong học đường.
Những người vì nước, vì dân sẽ được dân lập đền thờ ngoài thực địa cũng như trong lòng mình.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Tags