Ngày 25/8/2012, sau hơn 40 năm sống biệt lập, 134 hộ dân thôn Hòa Vân (Đà Nẵng) đã vào đất liền sinh sống. Làng Vân được biết đến với tên gọi khác là làng phong vì nhiều người dân ở đây bị bệnh phong. Tuy giờ đây, tất cả đã được chữa khỏi bệnh nhưng vẫn mang những di chứng vẫn nặng nề.
Rảnh, buồn, không có việc thì… nhớ chốn xưa
Chúng tôi đến tổ 13, 14 (phường Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu), nơi định cư mới của người dân làng Vân, vào một buổi sáng mùa đông lạnh buốt gió biển. Những dãy nhà của các hộ dân ở đây giống hệt nhau, xuống cấp trông thấy, đa số đóng cửa im ỉm, không khỏi khiến chúng tôi có cảm giác buồn mênh mang. Những ngày giáp Tết, khi mọi người tất bật chuẩn bị cho cái tết sung túc thì không khí ở đây vẫn lặng yên như tờ.
Thời điểm này mà còn ở làng Vân, người dân đã bận rộn thu hoạch cây trái, vật nuôi để chuẩn bị vào đất liền sắm Tết, bằng cách đi thuyền hoặc men theo tuyến đường sắt. Ai ở làng Vân cũng khẳng định chắc nịch rằng ở làng cũ, họ không thiếu thốn bất cứ thứ gì, có chăng chỉ là thiếu đường giao thông thuận lợi.
Anh Nguyễn Thanh Tú, tổ trưởng tổ 13, nhớ lại: “Khoảng 25, 26 tết, 2 hoặc 3 nhà tụ họp lại cùng nhau thịt một con lợn. Bọn trẻ con nô đùa chạy quanh sân, bị người lớn mắng thì cười nhăn. Chúng còn vui vẻ khoe nhau những tấm áo mới. Phụ nữ bận rộn với việc thu vén, nấu nướng. Cánh đàn ông sau khi xong việc thì ngồi lại cà kê. Tết đầm ấm lắm. Hàng xóm thân thiết như anh em ruột thịt”.
Hỏi về chuyện học của bọn trẻ con, anh Tú tự hào: “Đừng tưởng ở nơi heo hút như thế mà bọn trẻ con đều thất học. Ở làng của chúng tôi còn có người học đến Tiến sĩ. Trẻ con, đứa nào cũng ham học. Ngoài đấy có trường tiểu học, khi học xong cấp 1 thì chúng vào đất liền, thuê nhà, hoặc ở nhà người quen để học tiếp”.
Ở làng cũ, mỗi nhà cũng hàng trăm mét vuông đất, người già cũng có thể làm việc nhẹ, đủ nuôi sống mình. Cánh thanh niên xốc vác hơn thì cày cấy, đánh cá. Quanh năm, không giàu có nhưng cũng dư dả một chút.
Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân làng Vân
Ngày 25/8/2012, gần 40 hộ dân thôn Hòa Vân rời làng vào đất liền, nhường đất cho Khu du lịch nghỉ dưỡng, sống trong những khu nhà liền kề, hứa hẹn một cuộc sống mới sung túc hơn. Nhưng đã hơn 2 năm… “hứa thật nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu” (lời của anh Tú)
Tổ 13 có 39 hộ dân với 80 khẩu. Trong đó có 20 trẻ em đang độ tuổi đến trường và 27 người mất hoàn toàn sức lao động. Mỗi tháng, tùy theo năng lực lao động và di chứng bệnh tật, họ được nhận tiền bảo trợ xã hội ở 3 mức: 810 nghìn đồng cho người mất hoàn toàn sức lao động, 610 nghìn đồng và 310 nghìn đồng cho các đối tượng còn lại.
Như ông Hồ Hoa (60 tuổi) ở nhà D3, 2 vợ chồng nhận được 620 nghìn đồng/ tháng nhưng phải nuôi 2 con ăn học. Điều đáng nói là cho đến nay, người dân ở hai tổ 13 và 14 đều chưa có việc làm ổn định. Hơn thế, những nhà được bố trí đất tái định cư thì vẫn chưa biết đất ở đâu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chưa có. Những khu nhà liền kề mà họ đang ở lại hư hỏng, nhiều chỗ nứt lớn. Mùa mưa, nước chảy vào nhà ồ ạt, phải dùng vải lau, hay chăn bông để thấm nước. Mùa nắng, vì lợp mái tôn nên nóng “há mồm”.
Ông Nguyễn Tấn Bảy (59 tuổi), nhà C12 cho biết: “Nhà có 8 người, nhưng có đến 3 cặp vợ chồng mà chỉ có 2 phòng nên khá bất tiện. Ở ngoài kia, tôi còn có việc làm như trồng cái cây, hái quả,…nhưng ở trong này không làm được gì cả. Trong này, đến đun nước cũng tốn tiền mua ga, đổ rác cũng tốn tiền, động gì là tiền nấy”
Tuy nhiên, không thể phủ nhận lợi ích của việc di dời người dân làng Vân vào đất liền. Trong này, đường xá thuận lợi. Người bệnh được đến trạm y tế, được bác sĩ thăm khám kịp thời, thuốc men đầy đủ. Những người bị mất hoàn toàn sức lao động, được hỗ trợ gấp đôi khi ở ngoài kia. Người dân được hòa nhập cộng đồng. Trẻ con đi học thuận tiện hơn…
Tết đã gần kề, không còn không khí ấm cúng như khi ở làng Vân nhưng người dân thuận tiện hơn trong việc sắm sửa đồ đạc đón tết. Muốn mua gì cũng có. Dù như vậy, nhưng thử hỏi với mức hỗ trợ vài trăm ngàn như trên, tiền ăn hàng tháng còn không đủ thì nói chi đến việc sắm sanh. Tiền đền bù gửi ngân hàng cứ rút dần ra ăn mà “miệng ăn núi lở”. Nếu chính quyền địa phương không sớm tạo công ăn việc làm ổn định, xem xét sớm cấp đất và hỗ trợ làm nhà cho người dân ở đây thì chưa biết tương lai của họ sẽ thế nào. Cái tết này, có lẽ lại trông chờ vào các nhà hảo tâm….
Hồng Thúy
Tags