Với gần 80 gian hàng phục vụ du khách cùng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi trúng thưởng, trò chơi nấu ăn, thi nhảy (breaking dance)…, Lễ hội ẩm thực Pháp 2024 - Balade en France diễn ra cuối tuần qua (từ 5 - 7/4) tại Công viên Thống nhất, Hà Nội đã để lại nhiều hương vị Pháp trong lòng công chúng.
Đây là lần thứ 4 chương trình tổ chức tại Việt Nam và tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Riêng kỳ tổ chức năm 2023, lễ hội đã đón khoảng 350.000 lượt người tham dự.
Dưới chân mô hình tháp Eiffel đặt trước cổng Công viên Thống Nhất, ông Olivier Brochet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, đã dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những chia sẻ vô cùng thú vị về ẩm thực.
Đến lễ hội là để gặp gỡ
* Theo ông, đâu là những yếu tố làm nên sự thành công của Lễ hội ẩm thực Pháp trong suốt 4 lần tổ chức?
- Tôi nghĩ bí quyết của sự thành công là bởi nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp luôn mong muốn có những lễ hội hoặc sự kiện vui vẻ để mọi người có dịp gặp gỡ nhau. Vì thế, thành công nhất của sự kiện chính là tình hữu nghị, bên cạnh những sản phẩm ẩm thực ngon!
Cũng phải nói thêm rằng, sự tham gia đông đảo của hơn 350.000 lượt khách vào năm 2023 đã trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục tổ chức lễ hội trong năm nay.
* Vậy sau những lần tổ chức vừa qua, ông đánh giá thế nào về độ phổ biến các món ăn Pháp trong đời sống người Việt Nam?
- Tôi thấy xu hướng ngày càng nhiều người Việt Nam muốn tìm hiểu về ẩm thực Pháp và không chỉ là những món ăn, mà còn là nghệ thuật ẩm thực của Pháp.
Về mặt văn hóa ẩm thực, có rất nhiều nét tương đồng, giao thoa giữa Pháp và Việt Nam. Chính vì vậy, Lễ hội ẩm thực Pháp (Balade en France) còn được gọi là "cuộc dạo vòng quanh nước Pháp" là dịp để chúng tôi giới thiệu những sản phẩm mang tính tương đồng, giao thoa đó. Như món bánh mì hoặc bánh gâteaux (ga-tô) chẳng hạn. Đây là những sản phẩm của Pháp đã được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu rồi. Còn với tôi, không hiểu sao mỗi khi ăn món bún chả của Việt Nam, tôi lại cảm thấy có hương vị món thịt nướng của Pháp, dù cách chế biến là hoàn toàn khác nhau.
Hoặc một ví dụ khác là món phở. Như tôi nghe nói thì phở Việt Nam là món ăn có liên quan đến món pot-au-feu (món súp hầm thịt bò, một món ăn rất truyền thống của Pháp). Có thể điều này chỉ là… truyền thuyết thôi, nhưng cũng cho thấy thực tế về sự tương đồng, giao thoa ẩm thực giữa hai nước. Nghe rất hay!
* Vậy theo ông, đâu là giao điểm nhất của hai nền ẩm thực Pháp và Việt Nam?
- Việt Nam và Pháp có nền ẩm thực tương đối khác nhau, nhưng điểm tương đồng chính là sự tinh tế, thể hiện rõ qua hương vị của các món ăn. Những hương vị được chế biến khá cầu kỳ, sâu sắc, khiến người ta phải tò mò là làm thế nào để tạo ra được những hương vị đó - những hương vị không phải chỉ làm theo những công thức đơn giản mà có được.
"Một trong những điều mà tôi cảm nhận được từ phim Muôn vị nhân gian chính là việc bếp núc được thể hiện với tính dấn thân và tính cao cả. Bởi những người đầu bếp đã tạo ra những món ăn ngon không chỉ dành cho riêng họ" - Đại sứ Pháp Olivier Brochet.
Nấu ăn là dấn thân
* Trước sự kiện này, tôi thấy ông có nhắc đến bộ phim "Muôn vị nhân gian" của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ông nghĩ thế nào về bộ phim này?
- Trước hết, tôi thấy Muôn vị nhân gian là câu chuyện về tình yêu ẩm thực Pháp của một người Pháp gốc Việt Nam. Và có thể nói, ẩm thực được phản ánh trong bộ phim này rất đặc biệt, vì đây là ẩm thực hạng sang.
Quả thật, từ những góc máy quay theo chỉ đạo của Trần Anh Hùng, tôi nghĩ chúng ta không chỉ thấy những thước phim phản ánh rõ việc nấu ăn được diễn ra như thế nào, được những người đầu bếp thực hiện ra sao, đặc biệt là khi người phụ nữ làm bếp... Một trong những điều mà tôi cảm nhận được từ phim Muôn vị nhân gian chính là việc bếp núc được thể hiện với tính dấn thân và tính cao cả. Bởi những người đầu bếp đã tạo ra những món ăn ngon không chỉ dành cho riêng họ.
* Còn bản sắc ẩm thực Pháp trong bộ phim?
- Điều này thật ra rất khó nói, bởi ngay trong nền ẩm thực Pháp đã rất đa dạng, có nhiều trường phái khác nhau. Cụ thể, có ẩm thực dành cho gia đình, có ẩm thực dành cho nhà hàng lớn, hoặc quán bar, quán rượu, ẩm thực từng vùng, mà mỗi vùng lại có bản sắc riêng.
Nhưng nét chung trong sự đa dạng ấy chính là kết cấu của một bữa ăn kiểu Pháp: được bắt đầu từ món khai vị đến món chính, có phô-mai và kết thúc bằng món tráng miệng. Đặc biệt là rượu vang luôn luôn được sử dụng trong từng bước của thực đơn. Do đó, sẽ có rượu vang lúc khai vị, rượu vang cho món chính.
Ngoài ra, ở Pháp có khái niệm vùng ẩm thực, cũng như sản phẩm theo từng vùng. Sản phẩm thuộc vùng nào phải xuất xứ từ vùng đó mới được đánh giá cao về chất lượng. Phim Muôn vị nhân gian có thể hiện khá rõ điều này.
* Với sở thích cá nhân, ông thích ăn những món ăn truyền thống hay là những món ăn có yếu tố pha trộn giữa các nền văn hóa?
- Tôi là người thích ẩm thực, nên xu hướng nào cũng hấp dẫn tôi. Với truyền thống, tôi thích món bò Bourguignon ăn cùng khoai tây, món gỏi hàu vùng Bourgogne. Tiếp đến là món gan ngỗng béo hoặc lườn gà, các loại phô-mai, rồi đến món bánh tart táo tráng miệng. Còn những món mới thì rất nhiều vì chúng luôn khiến tôi bị hấp dẫn và ngạc nhiên cả về hương vị và màu sắc.
* Trở lại với Lễ hội ẩm thực Pháp. Diễn ra với khẩu hiệu "Hương vị ẩm thực - Sắc màu thể thao", có thể hiểu tinh thần mà lễ hội năm nay hướng tới là duy trì một cơ thể khỏe mạnh từ thực phẩm đến thể chất. Vậy không biết người Pháp thường ăn uống và tập luyện như thế nào để giữ dáng đẹp, thưa ông?
- Tôi nghĩ là đơn giản lắm! Chúng ta hãy ăn một cách khoa học với chế độ không nhiều chất đường, chất béo và đặc biệt là cần phải ăn đúng giờ. Để ăn ngon miệng thì không chỉ cần một kỹ năng nấu ăn tốt, mà khâu lựa chọn những nguyên liệu chất lượng (một trong những điều mà lễ hội hướng tới) cũng rất quan trọng. Và tất nhiên rồi, ngoài ăn uống khoa học như vậy, chúng ta cần kết hợp tập luyện thể thao. Tôi nghĩ những người thực hiện được lối sống như vậy, có thể sống đến trăm tuổi! (cười).
* Trân trọng cảm ơn ông!
Ẩm thực và thể thao
Pháp là nơi sáng lập ra Thế vận hội hiện đại từ năm 1896 (Pierre de Coubertin là người sáng lập Ủy ban Olympic quốc tế). Pháp đã 2 lần đăng cai Thế vận hội, các năm 1900 và 1924. Sau đúng 100 năm, hế vận hội sẽ trở lại với nước Pháp tại Olympic Paris 2024 vào mùa Hè này. Theo đó, ngay trong khuôn khổ Lễ hội ẩm thực Pháp 2024, làng thể thao trong khuôn viên 300m2 với nhiều hoạt động trải nghiệm các môn thi đấu tại Olympic Paris 2024 đã được giới thiệu đến công chúng như bóng rổ, bóng đá, bắn cung, phi tiêu, cầu lông, bóng bàn...
Với số lượng 80 gian hàng và quy mô lớn gấp rưỡi năm 2023, Lễ hội ẩm thực Pháp 2024 muốn mang tới "cuộc dạo vòng quanh nước Pháp" với các hoạt động như văn hóa, thể thao, ẩm thực, phá nông sản, các trò chơi mang tính cộng đồng…
Tags