Theo ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, dự án Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam đã cho thấy Việt Nam và Pháp có thể chia sẻ với nhau trong lĩnh vực này. Đặc biệt, dự án đã nói lên tầm quan trọng của việc phát huy giá trị di sản đối với người dân Việt Nam - đồng thời cũng là việc phát huy bản sắc và tính đa dạng của các dân tộc.
Được triển khai từ 2022 đến 2024, dự ánChia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam nhận tài trợ bởi Quỹ Đoàn kết các Dự án Đổi mới (FSPI) của Bộ Ngoại giao Pháp, được Bộ phận Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo các đối tác Việt Nam và tăng cường hợp tác với các bảo tàng Pháp.
Với số tiền đầu tư khoảng hơn 17 tỷ đồng, dự án đã có sự tham gia của hơn 230 cán bộ, 20 đơn vị cơ sở văn hóa tại Việt Nam. Cùng với đó, hơn 120 sinh viên tại 4 trường đại học tại TP.HCM được chia sẻ về dự án trong 70 giờ.
Tại buổi tổng kết dự án diễn ra vào chiều 3/6, Đại sứ Pháp Olivier Brochet đã có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN)
Sẻ chia để hướng tới tương lai
* Xin đại sứ cho biết, đâu là những điều ông quan tâm nhất trong dự án lần này?
- Đây là dự án hoạt động chủ yếu thiên về đào tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ về văn hóa di sản. Trong dự án này, có những chương trình đào tạo được tổ chức tại Việt Nam, có chương trình diễn ra tại Pháp. Cụ thể, đó là 2 lĩnh vực: Bảo tàng và rừng thiên nhiên quốc gia. Những chương trình liên quan tới 2 lĩnh vực này đã được triển khai tại bảo tàng, cũng như vườn quốc gia ở Việt Nam, trên cơ sở tận dụng những kinh nghiệm chuyên môn từ phía Pháp.
Cá nhân tôi mới sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam chưa lâu nên tôi sẽ đi thăm các chương trình được triển khai tại dự án này trong thời gian tới. Sớm nhất, tôi sẽ đến thăm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tôi quan tâm đến cơ sở này, khi việc cải tiến và đổi mới Trung tâm Du khách đã tạo ra nhữngphương thức tiếp cận với công chúng một cách thuyết phục, đặc biệt với trẻ em.
Tiếp đến là chương trình Hộp kể chuyện ở TP.HCM - một hoạt động nằm trong dự án với ý tưởng hay, tạo ra công cụ truyền thông mới lạ để có thể chia sẻ thông tin về các bảo tàng đến đối tượng công chúng vốn thường không đến thăm bảo tàng. Cách làm này dựa trên cơ sở: Sau khi nghe những thông tin từ cách chia sẻ này, công chúng sẽ mong muốn đến thăm bảo tàng trực tiếp.
* Trước dự án"Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam", Việt Nam và Pháp trong nhiều năm qua cũng có nhiều dự án hợp tác văn hóa ở các cấp độ và các lĩnh vực. Ông có thể nói gì về điều này, cũng như mối liên hệ đặc biệt giữa 2 nước trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử?
- Sẽ là quá dài để tôi có thể liệt kê ra các dự án như vậy, đặc biệt là các dự án diễn ra trong 30 năm qua ở lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, dự án mà chúng ta đang triển khai đã thể hiện đúng tinh thần của khẩu hiệu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Pháp là "Văn hóa sẻ chia". Và xa hơn, định hướng của chúng ta là hướng tới tương lai, vì tương lai nhiều hơn.
Dự án chúng ta vừa triển khai tập trung nhiều về đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng cũng thể hiện mong muốn ủng hộ nhiều hơn nữa những ngành nghề mà chúng ta gọi là ngành công nghiệp sáng tạo. Như tôi được biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch của Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu rất quan trọng trong việc phát triển những ngành, nghề của công nghiệp văn hóa cũng như công nghiệp sáng tạo.Ngay trong dự án này cũng đã có nhiều lĩnh vực được chú trọng như sách, xuất bản, phim hoạt hình, di sản…
* Trong quá trình hợp tác này, liệu khoảng cách địa lý, ngôn ngữ và cách tiếp cận về di sản văn hóa giữa 2 nước có phải là những rào cản hay khó khăn không, thưa ông?
- Tôi nghĩ sẽ không quá khó khăn, khi cả hai phía đều có quyết tâm chung để hợp tác với nhau. Tuy nhiên, nếu cán bộ Việt Nam nói được tiếng Pháp - và ngược lại, cán bộ Pháp nói được tiếng Việt, dù là điều hiếm hơn -thì việc hợp tác sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Và ngay cả khi ngôn ngữ không phải là rào cản trong hợp tác giữa đôi bên thì cá nhân tôi vẫn khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam nếu có cơ hội, hãy học thêm tiếng Pháp, đặc biệt là những người mong muốn tiếp cận được thế giới văn hoá. Bởi tiếng Pháp không chỉ là chìa khoá để mở cửa vào với nước Pháp mà còn là mở ra cả một thế giới Pháp ngữ rộng lớn.
* Hà Nội là nơi có khá nhiều di tích kiến trúc Pháp còn được bảo tồn. Kể từ khi tới đây, không biết ông đã có dịp đi thăm các kiến trúc này chưa, và ấn tượng với những kiến trúc nào?
- Tôi đã có dịp đến Phủ Chủ tịch cũng như nhiều địa điểm, cơ sở của các bộ, ngành Việt Nam - những nơi vốn là các tòa nhà từ thời Pháp. Và chúng tôi nhận được những ý kiến hết sức tích cực của Chủ tịch nước về vấn đề này, cũng như được các Bộ trưởng của Việt Nam chia sẻ sự hài lòng khi được làm việc trong những tòa nhà xây dựng từ thời Pháp như vậy.
Và ngoài những công trình tôi đến thăm trong quá trình làm việc, tôi cũng có dịp đến thăm những công trình khác như biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, ngay cạnh Đại sứ quán Pháp, rồi một kiến trúc khác ở Mã Mây. Tôi thấy cách tiếp cận với các công trình này rất hay và luôn nghĩ: Nên làm sao để người Hà Nội có thể hiểu hơn về những di sản mà họ đang sở hữu (cười).
"Quả thật, văn hóa là lĩnh vực hết sức quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, quan trọng không kém gì kinh tế, và chúng ta không thể bỏ qua nó" - Đại sứ Pháp Olivier Brochet.
"Hà Nội là nơi hết sức đặc biệt"
*Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những suy nghĩ này?
- Là người đã có dịp đi tham quan nhiều nước, nhiều thủ đô trên thế giới, tôi nghĩ rằng Hà Nội là một nơi hết sức đặc biệt- nơi có kết hợp giữa các di sản nghìn năm cổ kính của mình với những di sản của Pháp. Hà Nội đang sở hữu các di sản kiến trúc mà khó nơi nào có được. Tôi nghĩ ở cả châu Á cũng không có. Thậm chí, trên thế giới cũng hiếm.
Tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam và chính quyền Hà Nội có quyết tâm lớn trong việc bảo tồn các nguồn di sản này. Tuy nhiên, nhiều di sản đó hiện tại đang thuộc sở hữu tư nhân. Do vậy, theo tôi, cũng đã đến lúc chúng ta tính đến những phương thức hoặc là khuyến khích, hoặc là hỗ trợ cho các chủ sở hữu tư nhân này bảo tồn các di sản kiến trúc mà mình sở hữu.
Ở Pháp, các quy chế về việc này khá đầy đủ. Chúng tôi không chỉ có những khoản thuế đối với các di sản mà còn có cả những khoản hỗ trợ để chủ sở hữu có nguồn lực bảo tồn. Các chính sách này dựa trên việc xếp hạng các công trình lịch sử, và việc này đã được thực hiện cách đây 200 năm. Đây cũng là lĩnh vực mà phía Pháp hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, cụ thể là về khuôn khổ pháp lý cũng như các quy định trong việc bảo tồn di sản.
* Vậy không biết cảm xúc của ông thế nào khi sống tại nơi mà xung quanh có nhiều công trình kiến trúc di sản Pháp như Hà Nội?
- Tôi sang Việt Nam không phải để đi trải nghiệm (cười). Nhưng quả thật, tôi rất vui khi được sống ở Hà Nội - nơi có nhiều công trình Pháp và các công trình đều được bảo tồn tốt.
Tôi có thể nói Hà Nội cũng là thành phố sống rất dễ chịu. Dù đã có mở rộng về địa lý nhưng với quy mô của một thủ đô thì Hà Nội không quá lớn. Và cách quy hoạch đô thị ở khu vực trung tâm Hà Nội, từ phố cổ, vỉa hè, cây xanh tạo bóng mát cùng với các di sản kiến trúc đã làm nên một không gian sống rất thoải mái dành cho người dân. Đó là lý do tôi rất thích sống ở đây.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
3 hợp phần của dự án "Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam"
- Hợp phần 1: Phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam.
- Hợp phần 2: Bồi dưỡng nâng cao năng lực các cán bộ bảo tàng Việt Nam, bao gồm 12 khóa tập huấn với sự tham gia của hơn 100 cán bộ bảo tàng.
- Hợp phần 3 bao gồm 3 dự án thí điểm được thực hiện tại 3 địa điểm ở Việt Nam: Cải tạo Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); Hỗ trợ biên soạn nội dung trưng bày của Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Thiết kế và sản xuất công cụ truyền đạt nội dung bằng âm thanh mang tênChiếc hộp kể chuyện tại TP.HCM.
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Giáo dục Môi trường của Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, có 77.500 lượt du khách đến tham quan, học tập, trải nghiệm và nghỉ lại tại Vườn quốc gia, trong đó có tới 80% lượng du khách đã tham quan và tìm hiểu tại Trung tâm Du khách. Họ đều đưa ra những nhận xét, đánh giá cao về thiết kế, trưng bày, cung cấp thông tin và truyền tải thông điệp.
Tags