(Thethaovanhoa.vn) – Đây là vấn đề của rất nhiều thiếu niên trẻ tại Mỹ nhằm giúp đỡ gia đình của mình hiện nay, khi mà nền kinh tế của đất nước này gặp phải khó khăn trước đại dịch Covid-19.
Khi cha của Togi rơi vào cảnh thất nghiệp vào năm 2020, cậu bé khi đó mới 16 tuổi đã không lãng phí thời gian đổ đi tìm việc để hỗ trợ gia đình, cho dù cậu biết rõ việc này có thể khiến mình mắc Covid-19. Cuối cùng, cậu được nhận vào làm tại một cửa hàng bán thức ăn nhanh ở ngoại ô Washington, vừa đi làm, vừa học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm điêu đứng toàn nước Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.
Kể về những ngày dài vừa phải làm việc, vừa phải học và chỉ còn chút ít thời gian dành cho mình - vốn đang ở tuổi được cho là vô lo, vô nghĩ, Togi bày tỏ: "Thực sự, em rất mệt".
Cũng giống như Togi, Johanna - một học sinh trung học phổ thông, 17 tuổi, ở Los Angeles, làm việc tại một nhà hàng bán đồ ăn nhanh, vừa phải cân bằng giữa việc học trực tuyến với việc đi làm, với mức lương khoảng 450 USD mỗi tuần. Em tâm sự nhiều khi phải thức đến đêm để hoàn thành công việc và chỉ được nghỉ ngơi vào thứ Tư và thứ Bảy. Mệt mỏi và quá sức, cùng với áp lực kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nên khi được hỏi về lựa chọn giữa việc đi học để theo đuổi ước mơ trở thành nhà trị liệu bằng âm nhạc với đi làm, Johanna lựa chọn việc tiếp tục làm việc ở nhà hàng.
Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, kéo theo cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe, không chỉ Togi hay Johanna, nhiều thanh thiếu niên khác ở Mỹ vừa phải xoay sở đi làm để phụ giúp gia đình, vừa tham gia học trực tuyến. Nhiều học sinh đã không còn quay trở lại trường khi các biện pháp hạn chế phòng, chống đại dịch được nới lỏng.
Ông Elmer G. Roldan, Giám đốc điều hành Các cộng đồng trong trường học của Los Angeles - vốn ngăn chặn học sinh bỏ học, cho biết hầu hết các học sinh không quay lại trường là người da màu - cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ngoài ra, học sinh có bố mẹ không có giấy tờ cư trú và không được hưởng các biện pháp cứu trợ của chính phủ trong đại dịch cũng là nhóm đối mặt với áp lực tìm việc.
Giải thích về điều này, bà Hailly Korman, đối tác liên kết cấp cao tại Bellwether Education Partners, tổ chức tập trung cải thiện việc học ở trường, nhấn mạnh nhiều em học sinh không còn lựa chọn nào khác, sau khi cha mẹ hoặc người giám hộ rơi vào cảnh thất nghiệp do Covid-19.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng học sinh buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm sống, song các giáo viên và chuyên gia thuộc Mạng lưới CIS cho biết số lượng học sinh phổ thông trung học đi làm đã tăng mạnh trong đại dịch và số giờ làm việc của đối tượng này cũng đã tăng lên tới 35 giờ mỗi tuần. Theo các chuyên gia, về mặt pháp lý, học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không được quá 20 giờ mỗi tuần, song thực tế "rất khó để giám sát" quy định này.
- Hỏa hoạn gây chết người do sự cố máy thở cho bệnh nhân Covid-19 ở Nga
- WB không ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa Covid-19
- Thế giới hơn 174 triệu ca mắc Covid-19 khiến hơn 3,76 triệu người tử vong
- Mỹ gấp rút tìm cách giải quyết hàng triệu liều vaccine Covid-19 sắp hết hạn
Rất may, Togi và Johanna đều là học sinh giỏi, có ý chí, đều muốn vượt qua khó khăn để hoàn thành việc học. Như Togi chia sẻ, đi làm đã giúp cậu nhận ra việc học quan trọng như thế nào. Cậu đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình, khoảng 30, 40 tuổi, làm việc mỗi ngày không ngưng nghỉ, đó không phải là điều cậu muốn. Tuy nhiên, khoản tiền 300-350 USD mà Togi nhận mỗi tuần thực sự quan trọng đối với gia đình, giúp nuôi sống bản thân cậu và người em trai mới 13 tuổi.
Giới chuyên gia khẳng định thực tế trên sẽ buộc các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phải suy nghĩ về cải cách giáo dục để có thể giữ chân những học sinh đến từ những gia đình nghèo khó, buộc phải lao vào cuộc sống mưu sinh.
Ngọc Hà/TTXVN
Tags