(Thethaovanhoa.vn) - Hào Anh, cậu bé từng được cả xã hội quan tâm bảy, tám năm trước đây vì vụ bị hành hạ trong trại nuôi tôm lại gây scandal. Hiếm có một con người, một số phận nào được dư luận quan tâm nhiều đến thế, và liên tục gây buồn phiền cho những người quan tâm nhiều đến thế.
Khi nghe tin Hào Anh bị bắt về tội trộm cắp. Phản ứng đầu tiên của dư luận là trách, trách Hào Anh hư hỏng, trách mẹ nó nhẫn tâm vô trách nhiệm, trách chính quyền bỏ mặc không dạy nó học hành thành người tử tế, trách cả những người vì lòng từ thiện đã góp cho nó gần tỷ đồng, để nó phung phí. Những lời trách móc ấy có thể khiến một số người tốt cảm thấy tiếc vì những việc tốt đã làm. Khi thương xót một em bé mười tuổi bị mẹ bán lấy tiền tiêu xài, bị đánh đập đến mức tỷ lệ thương tật 70%, những người đã góp tiền cho em chỉ mong làm cho em những điều tốt, giảm bớt những khổ đau em phải chịu do không có tiền. Đồng tiền có gây hại hay không người ta làm sao biết được.
Xã hội ta bây giờ, từ ngày mạng xã hội phát triển, quả có nhiều nhà đạo đức xuất hiện, phán xét, trách móc trở thành một việc làm không thể thiếu của họ trước mọi sự kiện của xã hội, mọi hành vi của người khác.
Như việc các thanh niên tình nguyện trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi. Nắng trên 40OC, các em đứng làm hàng rào phân làn giao thông. Một bức ảnh đăng lên, với chú thích các em đứng làm “hàng rào sống”, mấy chữ “hàng rào sống” quả thực ghê gớm, nó biến các thanh niên áo xanh thành một lũ ngu dốt, hâm dở vì nắng khủng khiếp như thế lại ra đường làm những việc vô nghĩa. Trách móc ào ào. Chỉ có thực dụng hoặc u mê mới làm vậy.
Rồi tiếp theo, trách những tổ chức đã phân công các em đứng nắng. Cũng lại là ngu dốt và chạy theo thành tích, đày đọa, phung phí sức lực bọn trẻ. Lời tiếp lời, cứ thế thổi bùng lên cả một cuộc tranh luận ầm ĩ trên mạng. Ừ ra đường đứng nắng chẳng có gì hay, bố mẹ nào trông thấy con đứng nắng như thế chẳng xót. Ừ, xã hội quá coi trọng thi cử, cứ mỗi mùa thi lại một mùa tiếp sức quay cuồng cả cộng đồng. Nhưng phải đưa con đi thi mới biết trong khi xã hội chưa đổi mới thi cử như mong muốn thì những việc làm của thanh niên tình nguyện là cần thiết và đáng quý. Việc đứng nắng cũng không quá nửa tiếng và chỉ diễn ra ở mấy điểm đặc biệt đông đúc trong hàng chục điểm thi.
Lại một lần nữa, những người tốt có thể cảm thấy tiếc. Tất nhiên, tốt thực sự thì không ai tiếc vì đã tốt. Cũng không ai hy vọng một việc làm tốt có thể thay đổi được tất cả. Trong trường hợp Hào Anh, cậu có quá nhiều vết thương từ bên trong và điều đó đã hình thành con người, cuộc sống của cậu, rất khó chữa lành. Các thanh niên áo xanh sau khi nghe chỉ trích cũng chỉ buồn một chút rồi lại tiếp tục với công việc tử tế của các em.
Đã tốt thì không phải tiếc!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags