(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/8, nhóm nghiên cứu khảo cổ thuộc trường ĐH Khoa Học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và các cán bộ Bảo Tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã làm phát lộ dấu tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2, xã Hoà Khương, Huyện Hoà Vang, Đà Nẵng.
Dấu tích này là 3 chân móng của 3 tháp Chăm và 2 vết tích móng khác chưa xác định là móng tường hay móng tháp. Ngoài ra, còn có 3 phù điêu tượng bao gồm 1 đầu Thần Silva và 2 đầu người cầu nguyện cùng nhiều hiện vật khác. Đặc biệt có những mảnh sứ của một chiếc bình từ thời Nguyên.
Theo trưởng nhóm khảo cổ và nghiên cứu hiện đang khai quật tại khu vực trên, ông Nguyễn Chiều: “Việc làm phát lộ móng của hệ thống các tháp Chăm thuộc khu vực này sẽ là bằng chứng nghiên cứu sự hình thành, xây dựng và tồn tại một khu vực sinh sống của cộng đồng người Chăm vào thế kỷ thứ 10. Nơi đây có thể là một trung tâm buôn bán sầm uất của người Chăm xưa kia và rất có thể còn nhiều tháp Chăm khác ở khu vực này”.
Nơi đây có thể là trung tâm buôn bán sầm uất của người Chăm xưa kia
Trong quá trình khai quật, nhóm khảo cổ còn phát hiện 2 móng được xây mới từ những vật liệu của những tháp Chăm đã đổ nát do thời gian. Theo suy đoán của ông Chiều, trong móng của 2 tháp có sử dụng các viên gạch có in hình hoa văn thường chỉ được sử dụng làm gạch trang trí ở những bước tường ngoài của tháp Chăm. Việc sử dụng gạch trang trí tường để xây móng tháp chứng tỏ người Chăm trước đây đã dùng vật liệu còn lại của những ngôi tháp đã bị đổ nát gần đó để xây lại những tháp mới.
Vị trí phát lộ những móng tháp ở gần sông Quá Giáng cho thấy, khu vực này trước kia rất có thể là một trung tâm thương mại lớn. Theo kinh nghiệm và thông tin về lịch sử hình thành và phong tục cộng đồng người Chăm, giao thông đường thủy là tuyến giao thông quan trọng nhất kết nối giao thương với thế giới. Sông Quá Giáng thông với sông Hàn và cửa biển thông ra biển Đông, nên khu vực này xưa kia đã hình thành nơi giao thương buôn bán của các vùng miền và nhiều nước trên thế giới.
Một số hiện vật khai quật tại di tích Quá Giáng
Hiện, các hiện vật đang được chuyển về bảo tàng Chăm tiếp túc nghiên cứu và đánh giá. Nhóm khai quật đang tiếp tục mở rộng khu vực này nhằm tìm kiếm thêm các bằng chứng và hiện vật nhằm làm rõ sự hình thành, kỹ thuật xây dựng và kết cấu móng, tường, những vật thờ cúng và trang trí của nhưng ngôi tháp Chăm. Từ đó, sẽ có những đánh giá đầy đủ mang tính khoa học của một khu vực sinh sống của người Chăm cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí, giải toả mặt bằng đang là thách thức và hạn chế việc khai quật mở rộng khu vực trên.
Trước đó, năm 2012, nhóm nghiên cứu khảo cổ thuộc trường ĐH Khoa Học Xã hội & Nhân văn - Đại hoc Quốc gia Hà Nội và các cán bộ Bảo Tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã khai quật và làm phát lộ di tích Chăm tại Phong Lệ (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Hồng Thúy
Tags