Bớt thủ tục khi xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú: Có quá muộn?

Thứ Tư, 10/04/2013 12:48 GMT+7

Google News

Hội nghị góp ý vào dự thảo Nghị định qui định đối tượng, tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 10/4 thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động văn hóa; đại diện nhiều Hội nghiên cứu, Hội chuyên ngành ở trung ương và địa phương.

Nghị định này qui định đối tượng, tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; một số qui định về chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Ý kiến của hầu hết các đại biểu tại hội nghị đều khẳng định sự cần thiết ban hành sớm Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; đến nay, các cơ quan chức năng mới ngồi bàn góp ý dự thảo Nghị định là quá muộn.



NSƯT Hà Thị Cầu- nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20

Phát biểu của GS Trần Tiêu, GS-TSKH Hoàng Chương và một số đại biểu khác đều nhấn mạnh đến đặc thù khi làm qui trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú là với đối tượng là những người lao động sáng tạo độc lập; họ không thuộc biên chế một tổ chức nhà nước; vì thế, cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng.

Đối tượng xét tặng cũng cần khẳng định: cá nhân đang sinh sống ở trong và ngoài nước nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong 7 lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể, không phải chỉ là 6 đối tượng như trong dự thảo (Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Trí thức dân gian; Thủ công truyền thống).

GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ sự không đồng thuận về việc “số hóa”, “lượng hóa” thời gian hành nghề của người được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân. Giáo sư cho rằng, số hóa, lượng hóa tiêu chuẩn thời gian hành nghề sẽ không phù hợp với qui luật sáng tạo trong sáng tạo văn hóa phi vật thể; bỏ sót nhân tài thực sự. Trong thực tế, có rất nhiều người tài năng thực sự khi tuổi đời còn rất trẻ. Qui định 25 năm hành nghề và 20 năm hành nghề là điều kiện cần khi xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cần được trao đổi lại, theo chiều hướng giảm về số năm...

Dự thảo Nghị định được trình bày gồm 5 Chương với 21 Điều, ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị cũng như góp ý bằng văn bản từ hơn 100 cơ quan liên quan trong nước gửi về cơ cơ quan soạn thảo tương đối thống nhất về cách thể hiện cũng như nội dung của các Điều trong các Chương của dự thảo. Tuy nhiên, cần làm rõ một số khái niệm để tránh hiểu chưa đúng trong quá trình xét tặng danh hiệu.

Các ý kiến đều thống nhất đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là Bộ duy nhất chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về soạn thảo dự thảo Nghị định cũng như tổ chức triển khai qui trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục để công bố đợt đầu tiên về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú vào ngày 2/9/2014...

Về Hội đồng xét tặng danh hiệu: tại Điều 9. Hội đồng cấp tỉnh, các ý kiến đề nghị thay vì Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo UBND cấp tỉnh bằng Giám đốc Sở VHTT&DL để lấy được ý kiến của người có chuyên môn. Ý kiến đánh giá chuyên môn về nghệ nhân được xét tặng danh hiệu phải là ý kiến của những người làm nghề, không lấy ý kiến chung của cộng đồng cư dân nơi người được xét cư trú...

Về chính sách đãi ngộ với nghệ nhân cũng phải được cụ thể hóa bằng chương, điều trong Nghị định. Đại diện Ban soạn thảo Nghị định đã trả lời những thắc mắc, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo; tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị cũng như các góp ý bằng văn bản từ các cá nhân, đơn vị trong nước gửi về để chính sửa, hoàn thiện trong thời gian sơm nhất để trình Thủ tướng.

Công Hải - TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›