1. Khái niệm "thành phố đáng sống”, "đô thị đáng sống”, "đô thị sống được” (liveable/livable city) là vi diệu, nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau, cũng như “chỉ số hạnh phúc” vậy…
Hàng năm, tổ chức The Economics Intelligence Unit có trụ sở tại London, Anh Quốc tiến hành khảo sát 140 thành phố lớn khác nhau trên khắp thế giới và chọn ra những thành phố có chất lượng sống tốt nhất. Các tiêu chí để đánh giá bao gồm: chăm sóc y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, cơ sở hạ tầng, sự ổn định chính trị, an ninh và xã hội.
Như vậy, dựa vào các tiêu chí trên, không thể phủ nhận Đà Nẵng đang được đánh giá cao.
Bản thân người Đà Nẵng cũng có định nghĩa của mình về khái niệm “thành phố đáng sống”. Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng cắt nghĩa: “Làm sao trong thành phố đó, từ trẻ con đến người già, mọi người sống trong không gian của thành phố đó đều được chăm lo chu đáo, từ cái ăn, ăn no đến ăn ngon; chỗ ở, từ chỗ chỉ đủ che mưa, che nắng đến chỗ ở đẹp, rộng rãi, thoáng mát; thoải mái đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí… Một thành phố không những thanh bình mà còn là một thành phố thái bình”.
18 năm sau khi thành phố này tách ra từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ (1997), có thể cảm nhận rằng, điều khiến thành phố bên sông Hàn có bước tiến dài là chính quyền Đà Nẵng đã làm tốt vấn đề then chốt hơn nhiều địa phương khác: Dám cải cách thể chế mạnh mẽ, quan trọng hơn cuộc cải cách thể chế phù hợp với điều kiện chung của Đà Nẵng, đã cởi trói, phát huy nội lực của một thành phố lớn nhất miền Trung, nơi được tạo hóa ban tặng nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý, và nguồn nhân lực.
Đà Nẵng đã từng đưa ra những chính sách “chẳng giống ai”, điển hình là “5 không, 3 có”, và thực hiện tốt chính sách đó. Bản thân đồng nghiệp chúng tôi tại Đà Nẵng, đã có một số anh từng bị rút thẻ nhà báo, từng ấm ức đấu tranh quyết liệt với chính quyền Đà Nẵng về một số chính sách mà các anh cho là chưa “trúng”, nhưng đến giờ phút này, tựu trung hai bên đã gặp nhau vì điểm chung: Đà Nẵng đã phát triển rất rõ ràng.
Người ta nói nhiều về việc cải cách thể chế của Đà Nẵng đạt thành tựu tốt là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhưng cần phải nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của chính quyền Đà Nẵng trong 18 năm qua. Có lãnh đạo tốt mới có chính sách tốt. Công cuộc cải cách thể chế ở Đà Nẵng có thể chưa “ra tấm ra món”, nếu lãnh đạo Đà Nẵng thiếu tầm nhìn, đặc biệt là…“yếu tim”!
2. Cho nên, hiện tại, từ thành tựu vượt bậc của các lãnh đạo tiền nhiệm, không khó cảm nhận lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang khá “áp lực”. Họ phải chứng tỏ đang nỗ lực kế thừa, phát huy được những nền tảng quý báu mà trong 18 năm qua Đà Nẵng đã gặt hái, nhất là trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế. Họ đang nỗ lực xây dựng cơ sở niềm tin về năng lực quản lý, điều hành. Khái niệm “khoảng trống quyền lực” đang hiện hữu rất rõ với lãnh đạo Đà Nẵng hiện nay, khiến tất cả những chính sách, hành động của họ, đều được dư luận “soi” , so sánh rất kỹ với các tiền nhiệm. Vụ đình chỉ dự án xây “ngọn hải đăng trên sông Hàn”, tháo dỡ nhà xây dựng trái phép của tướng công an…, là những điển hình của khái niệm áp lực.
Chúng tôi cũng đã nghe một số nhà đầu tư lớn, tâm sự tình hình đầu tư vào Đà Nẵng hiện tại gặp nhiều khó khăn hơn, so với dăm năm về trước. Nếu chính quyền Đà Nẵng không biết phát huy nền tảng đã xây được thì nguy cơ thành phố sông Hàn phát triển chậm lại, đánh mất nội lực là có thể xảy ra. Bài học là, họ từng có chỉ số CPI quán quân, rồi tụt xuống thứ 12 năm 2012, lãnh đạo thành phố đã chỉ ra do thiết chế pháp luật tụt dốc, để rồi họ lấy lại vị thứ, vẫn nguyên giá trị.
Để Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống” vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng việc trở thành “nơi đáng để đến”, đã là hiện hữu. Phải nói thật, nhiều người Đà Nẵng, mỗi năm đón tiếp cơ man nào là bạn bè, chiến hữu khắp nơi vì yêu Đà Nẵng mà đến, nhiều khi mệt phờ người ra. Nhưng vẫn len lỏi niềm tự hào. Đa số du khách đều dành cho Đà Nẵng thiện cảm tốt. Đạt được trạng thái thiện cảm, coi như đã giải quyết được một rào cản lớn trong các mối quan hệ.
Sau 18 năm tách tỉnh, công cuộc cải cách thể chế của Đà Nẵng không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn, nhưng xét cơ bản, thành phố bên sông Hàn vẫn đạt nhiều thành tựu lớn, đáng để nhiều lãnh đạo địa phương, thành phố trên cả nước quan tâm, trong cuộc trường chinh cải cách thể chế nhằm mang lại phồn thịnh cho quê hương mình. Hy vọng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tiếp tục “ghi điểm”! Báo cáo từ HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.589 tỷ đồng, tăng 6,08% so với kế hoạch ban đầu. Tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá toàn diện, đồng đều trên các mặt. Trong 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được HĐND Thành phố thông qua thì có 10//11 chỉ tiêu đều vượt và đạt so với kế hoạch; 1/11 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch là tốc độ tăng giá trị sản xuất dịch vụ. Chương trình Kỷ niệm 40 năm Giải phóng Đà Nẵng
Theo đó, năm 2014, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng ước đạt 41.714 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2013.
* Ngày 28/3
- Lễ mít-tinh kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng được tổ chức từ 8-9h30 ngày 28/3 tại Cung Thể thao Tiên Sơn.
- Lúc 21h, bắn pháo hoa diễn ra tại 4 điểm: cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động Ngũ Hành Sơn, khu đất Phương Trang – Hòa Minh – Liên Chiểu và trước trụ sở Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang.
- Đêm 28/3, Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức chung kết hội thi “Tiếng hát mãi xanh” tại bờ đông cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo và Lý Nam Đế).
* Ngày 29/3
Từ 20 – 22h, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng được tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn với nhiều tiết mục đặc sắc và đông đảo nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Chương trình ca, múa, nhạc, kịch thông tin với chủ đề Đà Nẵng 2015 – Chặng đường mới cũng diễn ra tại bờ đông cầu Rồng (góc Trần Hưng Đạo và Lý Nam Đế).
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Tags