(Thethaovanhoa.vn) - Trận Đức-Italy không chỉ là cuộc đối đầu nảy lửa giữa các cầu thủ tài năng mà còn là màn đấu trí căng thẳng giữa Conte cá tính và nhiều mưu mẹo với Loew tinh quái nhưng được dấu trong vẻ ngoài hiền hòa và lịch thiệp.
Italy của Conte nguy hiểm như thế nào?
Thoạt nhìn thì người ta sẽ thấy đội tuyển Italy rất mạnh với lối chơi phòng ngự - phản công sở trường. Về mặt phòng ngự thì đúng là sở trường của người Ý với sự chặt chẽ của cả một đội hình và sự xuất sắc của những cá nhân. Nhưng có một điểm khác biệt đó là họ luôn chủ động trong các tình huống phòng ngự và cũng đồng thời sẵn sàng cho các đợt phản công hoặc tấn công nhanh.
Chẳng hạn khi Chiellini, Bonucci, Barzagli tranh bóng, họ không chỉ nghĩ đến việc cản phá đơn thuần mà tìm cách cướp và phá bóng chủ đích vào những khoảng trống phía trên nơi có Eder - Pelle sẵn sàng nhận bóng và các tiền vệ khác như Parolo- Giaccherini rất nhanh băng lên tiếp ứng. Những tình huống này luôn nhanh hơn suy nghĩ và sự chuẩn bị của đối phương một bước, lại được thực hiện có tổ chức, có độ chính xác, tốc độ cao, khai thác vào những khoảng trống, những điểm yếu nên mang lại thành công là tất yếu. Điển hình là những bàn thắng từ những đường phản công kinh điển của Pelle. Trong những bàn thắng đó, từng bước được lập trình một cách chính xác mà đối phương gần như không có khả năng chống đỡ.
Ngoài sở trường là phá lối chơi của đối phương, Italy của Conte còn có một điểm mạnh khác là khai thác tối đa những điểm yếu. Ví dụ đánh trực diện vào sự yếu kém của cặp trung vệ Bỉ trong đường chuyền hiểm hóc của Bonucci và kỹ năng dứt điểm của Giaccherini, pha đột phá tốc độ của Eder qua một loạt cầu thủ phòng ngự chậm chạp và bọc lót không tốt của Thụy Điển hay tình huống đá phạt có chủ định trong tình huống ghi bàn của Chiellini trong trận gặp Tây Ban Nha.
Đó là lý do J. Loew dùng 3-4-2-1
Với 4-2-3-1 Oezil và các đồng đội đã thể hiện một phong độ tuyệt vời với sự cân bằng của đội hình, khả năng kiểm soát bóng hoàn hảo, khả năng tổ chức tấn công đa dạng với nhiều miếng phối hợp nhuần nhuyễn ở tốc độ cao.
Nhưng Loew đã dám sử dụng 3-4-2-1 để như một món quà đặc biệt tặng riêng cho người Italy. Ưu thế đầu tiên của sơ đồ này là họ luôn luôn có tới 5 cầu thủ sẵn sàng phòng ngự khi mất bóng. Còn tuyến trên Gomez - Oezil - Mueller ai gần nhất sẽ áp sát tranh chấp không cho đối thủ thoải mái phản công, những người còn lại bọc lót, hỗ trợ và ngăn chặn phía sau khiến cho Italy gần như không thể phản công hay tấn công nhanh trong suốt trận đấu vừa rồi.
Khi đã hạn chế được điểm mạnh của đối thủ ở hiệp 1, J. Loew đã chủ động đẩy cao đội hình và mở rộng phạm vi tấn công ra hai biên. Cách chơi này khiến hàng thủ của Ý phải dãn rộng, đi chuyển nhiều hơn để đeo bám, hỗ trợ, bọc lót và cản phá. Khi phải chạy theo những cầu thủ trẻ của Đức, những lão tướng tuổi băm như Chiellini, Barzagli, Parolo bắt đầu có biểu hiện hụt hơi. Và bàn thắng của Oezil đến đúng vào thời điểm như vậy. Đó là một tình huống tấn công biên xuất sắc với đầy đủ sức mạnh của đội tuyển Đức: sự chính xác, đột biến và tốc độ. Gomez thu hút 2 hậu vệ Ý ra biên, Hertor biến tốc băng nhanh vào nách, một cú thả bóng vừa tầm và căng ngang chính xác, Oezil đã có mặt đúng lúc đúng chỗ chạm bóng tinh tế để ghi bàn.
Tóm lại, Conte cũng đã sử dụng hết mọi mưu mẹo nhưng vẫn không thể thành công. Đó là vì đội Đức toàn diện hơn, họ đã có sự chuẩn bị chu đáo cho trận đấu này với nhiều phương án khác nhau. Quan trọng hơn, Loew cũng đã chứng tỏ ông là một HLV tài năng và cực kỳ bản lĩnh.
Đ.P.N
Thể thao & Văn hóa
Tags