(Thethaovanhoa.vn) - Thiên phú tài hoa - Đam mê cùng cực - Phóng khoáng giao du. Có 3 phẩm chất trên trong một Nguyễn Trọng Tạo - Người rong chơi cùng văn nghệ. Người vừa được ấn hành một bộ tuyển tập văn - thơ - nhạc - họa nhân dịp giỗ đầu nghi ngút khói hương.
1. Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Tạo đã bộc lộ những bản tính khác người. Qua người cha sớm quá cố, Tạo đã biết đến và có tình yêu “sét đánh” với thơ Hàn Mặc Tử để phải buột thốt lên một bài lục bát theo hơi thở thơ Hàn. Đam mê âm nhạc, Tạo đã tự làm lấy một cây vĩ cầm để kéo chơi.
Có lẽ bởi thế, Tạo đã bước vào thanh xuân trong quân phục lính đầy tự tin. Được nhà thơ Trần Hữu Chung và nhạc sĩ Ngô Trí Thậm giáo dưỡng, Tạo đã nhanh chóng trở thành một nhân vật “tuổi trẻ tài cao” của văn nghệ Nghệ An thời chiến tranh. Cuộc chiến tranh đã là nguồn cảm hứng đầu đời cho Tạo có những tác phẩm thơ nhạc gây ấn tượng. Cũng bởi có hoa tay mà Tạo còn bay múa trong những nét vẽ.
Sau ngày thống nhất, Nguyễn Trọng Tạo được đưa về Trại sáng tác quân đội ở Hà Nội. Ở môi trường văn nghệ rộng lớn của đất Kinh kỳ, Tạo thỏa sức vùng vẫy. Năm 1978, Tạo giành giải thưởng thơ hay của các tờ báo lớn và cuối năm đó, là sự thăng hoa âm nhạc qua ca khúc Làng quan họ quê tôi phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Chiến tranh biên giới khiến Tạo thét lên một bài thơ dài mang tên Tản mạn thời tôi sống đầy ám ảnh...
Thế rồi, Tạo phải lỡ dở trong việc theo học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, trở về công tác ở Nhà Văn hóa Quân khu IV. Song trong “cái rủi có cái may”. Nhờ trở lại quê hương, Tạo mới có điều kiện đưa cô em gái bị ung thư máu đi chữa chạy khắp nơi trên đất nước, nhờ sự cảm thông của nhà văn Đậu Kỷ Luật - Giám đốc Nhà văn hóa. Cũng do lỡ dở, cái tâm thức ấy đã đẩy những sáng tạo văn nghệ lên một tầm mức cao hơn. Đấy là thời của Thư trên máy chữ, của những bài thơ bảng lảng sông Hàn, mờ sương Đắk Lắk… làm nên Sóng thủy tinh của vài năm sau. Đấy là thời của những ca khúc đoạt giải thưởng như: Mặt trời trong thành phố, Đường về Thạch Nham… Đấy là thời song hành cùng tôi và Văn Cao dọc Quảng Ngãi, Quy Nhơn để rồi ngơ ngác một Không đề”chói chang màu hoa ly vàng, làm ngơ ngẩn triệu triệu con tim.
2. Sau khi cởi áo lính, Tạo định cư và lập gia đình tại Huế. Lúc đó cũng là thời mở đầu của Đổi mới. Bởi thế Tạo lại thỏa sức vẫy vùng thơ - nhạc - họa ở chốn cố đô đến mức “Sông Thương hóa rượu ta đến uống - Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”. Người rong chơi lại có thêm bạn bè cùng rong chơi, làm báo… Đấy là thời của đồng dao cho người lớn: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có người đang sống mà như qua đời”.
Ở Huế 10 năm với đầy đủ hăm hở, buồn vui, Tạo lại cất bước tái nhập Hà Nội.
Ra Hà Nội làm Tạp chí Âm nhạc cùng tôi cho tới khi về hưu, Tạo vẫn cứ thế ngất ngưởng rong chơi cùng văn nghệ, liên miên những cuộc rượu kéo dài thâu đêm suốt sáng. Tạo như vắt kiệt mình để truyền giáo những ý tưởng cách tân, nâng đỡ lớp trẻ, nhất là khi được toàn quyền làm tờ báo Thơ. Và đấy cũng là thời mà người mến mộ âm nhạc cả nước như lên đồng bởi Khúc hát sông quê phổ thơ Lê Huy Mậu. Cũng nhờ gặp người bạn đồng hương Phủ Diễn - một đại gia xây dựng sau thành tri kỷ, Tạo lại có thêm sức mạnh, nguồn lực làm ra những chương trình quảng bá thơ nhạc của mình và bạn bè trong nhiều năm qua.
Tôi và Tạo cũng có duyên bè bạn với nhau hơn 40 năm gắn bó. Cuộc song hành của hai thằng đã khiến cho anh em văn nghệ cả nước đều đồng tình, chia sẻ. Những cuộc rượu và những nhận định văn nghệ xuất thần, nồng men hình như cũng có tác dụng kích thích sáng tạo trong nhiều bè bạn. Sự thương quý cứ thế bao bọc chúng tôi trong tình thân không vụ lợi. Và cứ thế, chúng tôi bên nhau đi xuyên thế kỷ cũ, sang thế kỷ mới cũng gần tròn 20 năm.
Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Giữa lúc Tạo đang tràn trề sinh lực công diễn chương trình ca nhạc Khúc hát sông quê tại Hà Nội, thì vào ngày cuối cùng của năm 2017, Tạo bất ngờ bị đột quỵ trong buổi tân gia tại vườn nhà. Dù vậy, Tạo vượt thoát bạo bệnh một cách ngoạn mục, để tiếp tục công diễn Khúc hát sông quê ở thành phố Vinh. Cứ nghĩ, trời vẫn còn ủng hộ cuộc rong chơi cùng văn nghệ của chàng lãng tử xứ Nghệ. Nhưng “trên cao, nhịp thu đã điểm” như câu thơ Xuân Diệu. Do sức yếu, mầm ung thư vốn có từ lâu, giờ đến lúc hoành hành. Noel năm 2018, tôi và bạn bè còn ngồi cùng Tạo. Vậy mà 7/1/2019, Tạo đã vĩnh viễn ra đi khỏi cõi đời ở tuổi 72. Tiếc thương là thế, nhưng cũng có điều an ủi bởi Tạo đã sống một cuộc sống gấp mấy lần người thường.
Cuộc sống ấy vẫn đang tiếp tục ngân vang khi vắng bóng Tạo trên dương thế. Không ai ngờ chỉ sau một năm, vào đúng dịp giỗ đầu, nhờ nỗ lực của Nhà xuất bản Văn học, gia đình và bạn bè, tuyển tập văn - thơ - nhạc - họa của Nguyễn Trọng Tạo đã có dịp ra mắt trong tình thương nhớ khôn nguôi của bao người. Đấy là niềm hạnh phúc vô giá dành cho người rong chơi cùng văn nghệ tên là Nguyễn Trọng Tạo.
Ấn hành sách Nguyễn Trọng Tạo Nhân dịp giỗ đầu nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, vừa qua, NXB Văn học ấn hành Nguyễn Trọng Tạo - Tuyển tập gồm ba tập: Tập 1, Thơ và nhạc có 348 bài thơ, trường ca và 72 bài nhạc. Tập 2, Văn xuôi với 121 bài gồm 9 truyện ngắn và vừa, 13 tạp văn, 13 bài trả lời phỏng vấn và 86 bài viết về văn chương - cảm - luận, lý luận phê bình, chân dung, tự sự. Tập 3, Nhịp đồng dao - Những bài viết về Nguyễn Trọng Tạo gồm 48 bài viết của văn nghệ sĩ về chân dung và các sáng tác của ông. |
Nguyễn Thụy Kha (Nhà thơ, nhạc sĩ)
Tags