Thuật ngữ "sống chậm" có lẽ mới thịnh hành ở Việt Nam khoảng mươi năm nay, nhưng tôi đã thấy người dân một xã đảo ở Hải Phòng thực hiện nó từ thế kỷ trước. Đó có thể là một cộng đồng dân cư "sống chậm" sớm nhất Việt Nam.
Tôi đến xã Việt Hải của huyện Cát Hải, Hải Phòng lần đầu tiên năm 1999. Xã này lọt giữa Vườn Quốc gia Cát Bà, muốn vào phải đi thuyền nên được gọi là đảo của đảo Cát Bà. Khi đó Việt Hải chưa có điện, không có sóng di động. Điện thoại bàn kéo dây qua rừng hay bị sóc, chuột cắn, nên lúc có lúc không. Chiếc máy phát khi tôi đến đã hỏng, nằm bẹp bên hông UBND xã.
Xã chỉ có khoảng tám chục hộ dân, gần 300 khẩu, tất cả đều nghèo, hầu hết nhà tranh vách đất. Họ sống bằng nghề nông trong thung lũng. Nếu mưa lớn thì con đường ra bến thuyền bị ngập, muốn qua phải cởi hết quần áo đội lên đầu.
Ngạc nhiên là lãnh đạo huyện Cát Hải thời ấy nói với tôi rằng Việt Hải không thích giàu! Bà con sống theo mô hình "công xã", nhà ai có việc cả xóm cùng làm, hộ nào mổ lợn cả xã ăn chung. Trong xã hoàn toàn không có tệ nạn. Trở lại Việt Hải một số lần sau đó, thấy ở đây dần có nhà mới, đường mới. Đời sống khá hơn, nhưng các gia đình vẫn chưa giàu lên. Thật lạ, trên gương mặt người Việt Hải không "hiển thị" những nét lo toan mà luôn nở nụ cười tươi rói. Họ ngồi trước những ngôi nhà mới xây nhưng không có cửa (ở đây không có trộm) và vồn vã mời khách vào uống nước, hút thuốc.
Việt Hải bây giờ đã trở thành một địa chỉ sống chậm dành cho du khách, với nhiều cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường, chủ yếu là người nơi khác đầu tư. Tuy nhiên, cách sống chậm của người dân nơi đây vẫn hiện hữu và là nét đặc biệt mà tôi muốn kể bằng những hình ảnh này.
Tags