Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay…

Thứ Bảy, 14/12/2024 08:24 GMT+7

Google News

Những người thuộc thế hệ 8x trở về trước chắc đều lớn lên trong lời ru của mẹ, của bà: "Cái cò, cái vạc, cái nông…"

Tôi, một 6x, cũng lớn lên trong lời ru ấy của mẹ, cùng tiếng vạc kêu khắc khoải trong những đêm đông giá lạnh và yên tĩnh của làng quê. Mỗi khi những tiếng "vác… vác… vác" vẳng xuống từ bầu trời thanh vắng, mẹ tôi lại bảo con vạc đấy, nó đi ăn đêm. Đôi khi vào những buổi chiều muộn, một đàn vạc bay qua mái nhà về hướng Tây Nam, tôi lại trèo lên bậu cửa và hóng theo cho đến khi những đôi cánh mờ dần như sợi chỉ rồi tan trong ráng chiều.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 1.

Vạc ở đảo cò Chi Lăng Nam năm 2007, trở lại đảo cò gần đây, có cảm giác hình như chúng không còn nhiều như trước...

Khi tôi hơn 10 tuổi, tiểu thuyết có tên Dưới đám mây màu cánh vạc của ông nhà văn Thu Bồn bỗng nhiên đến tay. Tôi đã chong đèn dầu để đọc hết cuốn sách dày cộp ấy và hình dung ra màu lông cánh của con vạc là như thế nào.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 2.

Vạc xám và vạc nâu bị trói chân làm “chim mồi” trên một đầm nước ven sông Lạch Tray, thuộc quận Dương Kinh, Hải Phòng

Không lâu sau, quê tôi có điện. Những băng nhạc cũng về đến làng, để tôi nghe được ca khúc Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn. Bài hát có câu: Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi, làm tôi nhớ đến những cánh vạc chiều về miền xa tít, lòng thầm bái phục ông nhạc sĩ họ Trịnh có những quan sát thật là tinh tế và sử dụng hình tượng quá hay.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 3.

“Lai chim” (livestream) để bán vạc trên đường phố Hải Phòng. Mỗi con vạc nâu đáng thương này được quảng cáo mồi chài “giá 150.000 đồng đã làm sẵn, về chỉ việc luộc hoặc hấp, ăn ngon hơn thịt gà!!!”

Nhưng phải đến giữa những năm 1990, tôi mới được thấy những cánh vạc thật, khi đến "đảo cò" Chi Lăng Nam ở huyện Thanh Miện, Hải Dương, chứng kiến cảnh hàng nghìn con vạc bay đi kiếm ăn khi chiều muộn, cũng như có lần lén trèo lên đảo cò để xem những chú vạc non còn chưa rời tổ. Những chú vạc cận cảnh không đẹp như trong thơ ca, nhưng chúng cho tôi cảm giác về một thế giới bình yên và đáng sống. Và tôi chợt nghĩ, những cánh vạc bay qua tuổi thơ của tôi có lẽ đến từ nơi này.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 4.

Một đàn vạc mồi bị trói chân đứng bên cạnh loa điện và bẫy dính. Ảnh chụp ở quận Hải An, Hải Phòng

Đó cũng là giai đoạn đất nước đổi mới, hàng quán mở khắp nơi, người dân bắt đầu có tiền và sau những năm tháng khó khăn thì tìm ăn mọi thứ có thể và gọi đó là đặc sản. Trong các món chim trời, người ta không từ chối cò, vạc. Súng săn bị cấm thì nhiều loại bẫy xuất hiện.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 5.

Không có vạc thật thì người ta làm vạc giả bằng mút xốp. Ảnh chụp ở Quảng Yên, Quảng Ninh

Thời gian gần đây, trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác, thi thoảng lại thấy một số người bán chim trời, trong đó có cò, vạc. Năm ngoái hay năm nay, đi chụp ảnh ở các vùng ao đầm ngoại thành, tôi thấy bẫy lưới bật loa giăng mấy nơi. Những con vạc bị buộc chân giữa đầm nước để làm mồi dụ những đồng loại hoang dã của chúng sập bẫy. Có cả con vạc giả, làm bằng mút xốp để lừa vạc thật xuống kiếm ăn, dễ dàng bị sa lưới hoặc dính keo.

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 6.

Vạc giả buộc trên loa, phát tiếng kêu “vác, vác” vào ban đêm, dụ vạc thật

Nhưng cũng thật thú vị, cũng vào dịp Thu Hà Nội vừa qua, đi qua đường Thanh Niên, tôi bỗng thấy một đàn vạc chấp chới bay lên từ những cây si trong đền Cẩu Nhi. Một chiếc thuyền trên hồ Trúc Bạc đã khiến chúng giật mình bay lên và kêu "vác, vác". Cảnh tượng quá đỗi đáng yêu giữa Thủ đô ồn ào và chật chội khiến tôi phải dừng xe và rút máy ảnh, lòng thầm ước những cánh vạc kia có thể tự do bay đến mọi chốn xa xôi mà không gặp phải tai họa nào…

Cuộc sống sau ống kính: Như cánh vạc bay… - Ảnh 8.

Cảnh tuyệt đẹp trên hồ Trúc Bạch, khi đàn vạc từ đền Cẩu Nhi bay ngang qua tòa nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mong cho chúng không gặp một tai họa nào từ con người...

Lưu Quang Phổ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›