Đây là hình ảnh về những loài chim nước trong mùa di cư đầu tiên mà tôi chụp được. Để tiếp cận và chụp được chúng tôi phải chế tạo ra những công cụ hỗ trợ, và cũng từ đó tôi bắt đầu thay đổi tư duy về hệ chim nước, cũng như thay đổi quan điểm của nhiều người về việc chụp chim nước tại Việt Nam. Đó chính là câu chuyện mà hôm nay tôi sẽ kể.
Trước kia, tôi vẫn nghĩ rằng, mình sẽ không chụp chim nước đâu vì khó mà có thể chụp được ảnh đẹp. Nhưng vào ngày 1/10/2019, tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ đó.
Buổi sáng hôm đó, đang ngồi café thì tôi nhận được thông tin có 1 đàn chim mới di cư về bãi biển Đà Nẵng. Tôi vội ra xem thì thấy có khoảng hơn 100 cá thể đang kiếm ăn ngoài bãi biển, sát mép nước. Tôi không chụp ngay mà về nhà và lấy 1 cái chảo chống dính trong bếp, sau đó khoan đục, lắp vít, gắn ballhead (đầu quay) vào và thế là ngay lập tức một chiếc "tripod chảo" ra đời (tripod là chân máy ảnh hoặc máy quay - một thiết bị thường có ba chân để đỡ cho máy ảnh, máy quay hoạt động ổn định).
Tôi trở lại bãi biển và bắt đầu tiếp cận đàn chim, nhưng không phải đi mà là bò trên bãi cát. Khi sử dụng cái chảo, tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc trườn, bò mà không phải ôm bộ chân máy nặng, cũng không sợ cát vào máy và hơn hết những chú chim gần như không sợ trước đống đồ nghề của tôi. Có những thời điểm, chúng tới gần tôi rồi đi xung quanh chỗ tôi nằm mà chẳng hề sợ hãi.
Khi tới gần, tôi bắt đầu chụp ảnh và lập tức bị mê đắm bởi vẻ đẹp của những chú chim. Chúng như những cục bông di động trên bãi biển.
Buổi chiều hôm đó tôi chụp được cảnh chúng kiếm ăn, bay lượn và cả lúc chúng tắm. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu nằm sát mặt đất, đặt máy lên chiếc "tripod chảo" để chụp thì hình ảnh sẽ đẹp hơn là đặt trên những chiếc chân máy cao. Nhưng rồi tôi nhận ra đó chính là cách mình thể hiện sự tôn trọng đối với cuộc sống của những loài chim nước đang kiếm ăn trên bãi biển.
Từ sau hôm đó, những hình ảnh đẹp về những loài chim nước bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Mọi người cũng thử tiếp cận chim nước theo cách của tôi, người thì chế "tripod chảo", người thì làm xe đẩy, chậu tắm em bé… để thay thế cho tripod với cùng một mục đích là để người chụp có thể dễ di chuyển, dễ tiếp cận hơn với những chú chim, nhưng tất cả đều phải bò sát mặt đất một cách khéo léo. Những chú chim di cư từ xa về đây, cần một lượng thức ăn lớn để tiếp thêm năng lượng. Việc chúng ta tiếp cận chúng không đúng cách sẽ khiến chúng sợ hãi và không thể kiếm ăn. Khi không đủ năng lượng chúng có thể sẽ kiệt sức trên đường di cư.
***
Nguồn thức ăn của những loài chim nước cũng rất đa dạng. Nơi chúng kiếm ăn là một chợ cá chỉ hoạt động vào sáng sớm. Xác của những con cá, ốc, tôm, cua chết còn sót lại sẽ bốc mùi và thu hút những chú chim rẽ cổ xám và rẽ khoang. Những chú còng chạy trên bãi biển lại là thức ăn yêu thích của những chú chim choắt mỏ cong bé. Màu tím của những bông hoa muống biển như tô vẽ thêm cho môi sinh của chúng.
Tôi nằm cạnh đống vỏ ốc đang bốc mùi nhưng lại nhìn ngắm được những chú chim đang vui vẻ thưởng thức một bữa ăn đầy thịnh soạn.
Khi ăn uống no say, chúng rủ nhau đi tắm dưới ánh nắng chiều. Chúng thả mình vào thiên nhiên và tận hưởng một cách thực sự. Nhìn chúng như những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa với nước, thuần khiết như những thiên thần. Những hạt nước bắn lên khiến những khoảnh khắc ấy trở nên thật quý giá. Tôi ước gì trong giây phút ấy, thời gian ngừng trôi để những điều đẹp đẽ ấy sẽ không bị mất đi.
Và cũng từ đó, tôi bắt đầu mê hệ chim nước, mê cái cách chúng thử thách tôi mỗi lần ghé qua trong mùa di cư. Việc sáng tạo ra những đồ nghề hỗ trợ cho việc tiếp cận các loài chim cũng phát triển từ đó.
Tags