Đây là hình ảnh của loài chim trảu đuôi xanh (tên tiếng Anh là: Blue-tailed Bee-eater) trong thời kỳ sinh sản của chúng. Chúng thường mất rất nhiều thời gian cho quá trình này, từ đào hang, bắt cặp, ấp trứng và nuôi con. Đó cũng chính là câu chuyện tôi muốn kể về một mùa mà nhiều người hay gọi là "Mùa trảu Đà Nẵng''.
Trảu đuôi xanh là loài chim định cư, có vùng phân bố rộng nhưng dễ gặp nhất là ở Đà Nẵng. Bởi thế muốn chụp chúng, người ta thường tìm về thành phố này.
Vào khoảng tháng 4, ở những bãi đất cát ven sông, ven biển bỏ không, trảu đuôi xanh thường bay về để bắt đầu mùa sinh sản. Đó cũng là nơi có nhiều loài côn trùng như ong, bướm, chuồn chuồn…, là nguồn thức ăn yêu thích của chúng.
Một ngày giữa tháng 4/2020, đúng mùa trảu sinh sản, tôi đã chụp được những bức ảnh này. Tôi đã dành khoảng 2 ngày để ngồi trong bụi cây, quan sát hoạt động của chúng, từ hướng bay đến cách chúng đào hang làm tổ. Trước khi vào hang, chúng luôn tìm những cành cây gần đó để làm cành chuyền, trước khi vào tổ. Vì tổ của chúng dưới mặt đất, nên việc đứng trên cành cây cũng giúp chúng dễ dàng hơn trong việc quan sát kẻ thù và cả con mồi.
***
Cả chim trống và chim mái đều tham gia đào tổ, chúng sẽ rung đuôi và sừng (phần lông đầu) lên, kèm theo tiếng kêu để báo cho bạn tình biết tổ của mình.
Quá trình đào tổ diễn ra liên tục trong ngày, đôi lúc chúng bay đi bắt mồi ăn để lấy sức. Thức ăn vào thời điểm đó chủ yếu là ong. Chúng dành cho nhau những điều tuyệt vời nhất và chăm sóc nhau, bởi lẽ, sau khi hang được đào xong, chúng mới tiến hành giao phối.
Tới thời điểm giao phối thì chỉ con trống đi kiếm mồi, con mái thường sẽ đứng trên cành cây, rung đuôi ra tín hiệu để con trống về đút mồi cho mình. Mồi phải ngon. Con trống kiếm được nhiều mồi thì con mái mới cho phép giao phối, đó như một thử thách bạn tình của con mái.
Quá trình ấy diễn ra nhiều lần trong ngày và kéo dài trong khoảng 1 tuần. Nếu một con trảu đuôi xanh khác tiếp cận cành chuyền, chúng sẵn sàng chiến đấu để tranh giành. Chúng tung ra những cú liên hoàn cước để đạp vào đối phương, buộc chúng phải rời đi, tạo ra những khoảnh khắc đẹp đến khó tin.
Có lẽ ngoài việc tranh giành lãnh thổ, chúng còn muốn thể hiện sức mạnh của mình với bạn tình.
Sau khi con mái đẻ trứng, nó bắt đầu ấp trứng. Con trống tiếp tục đi kiếm ăn. Mỗi lần có mồi, con trống sẽ đứng ở cành chuyền, gọi con mái lên gần miệng tổ để đút mồi.
Nguồn thức ăn khi đó bắt đầu đa dạng và nhiều hơn. Chúng bắt mồi rất nhanh với những màn lộn nhào trên không siêu đỉnh theo đúng nghĩa "nhanh như chớp''.
***
Tới khi con non nở thì cả con trống và con mái đều phải đi kiếm mồi về nuôi con. Chúng kiếm ăn miệt mài mặc trời mưa hay nắng. Đến khoảng cuối tháng 6, khi trải qua quá trình sinh sản và nuôi con, màu lông của chúng bắt đầu nhạt hơn so với lúc mới bắt cặp, bởi sự vất vả và gian nan.
Khi tôi nhìn con mái đứng ngậm mồi trên cành cây giữa mùa Hè oi bức, dưới cái nắng chói chang, tôi thấy nó xơ xác và lao lực. Chúng ta có thể liên tưởng tới một "bà mẹ bỉm sữa" đang nuôi con mọn, với nhan sắc hao mòn do chẳng có thời gian để chăm sóc bản thân. Nhưng qua đó, ta cũng thấy được sự kiên cường và tinh thần sẵn sàng hy sinh cho con cái. Điều đó thật thiêng liêng và vĩ đại, nó khiến tôi nghẹn ngào.
Quá trình chúng xây dựng tổ ấm như mô phỏng lại hiện thực cuộc sống của chính chúng ta. Chúng sống có trách nhiệm và sống thật chân thành. Hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho những người mình yêu thương và đấu tranh để bảo vệ những điều quý giá đối với mình.
Tags