(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống của người tị nạn thật khốn khó khi họ buộc phải rời khỏi quê hương. Song đối với nhiều người Somalia, những người đã hàng năm, có khi là hàng thập kỷ sống ở Dadaab, trại tị nạn lớn nhất thế giới, nằm ở biên giới Kenya với Somalia, thì nơi đây chính là nhà họ, thậm chí ở đây họ còn có cơ hội được học hành tốt hơn ở quê hương.
Ở Dadaab, trẻ em được học miễn phí và học đại học sẽ được cấp học bổng. Trại tị nạn Dadaab được xây dựng từ những năm 1990, có thể chứa 90.000 người, nhưng Liên Hiệp Quốc ước tính hiện số người đông gấp 4 lần như vậy đang cư trú ở đây.
Được hưởng giáo dục miễn phí
Vừa bình minh lên, Bashir Bilal (47 tuổi) đã ngồi trên chiếc thùng đựng xăng quen thuộc của mình và xung quanh anh là nhiều cô, cậu bé đang đọc kinh Koran. Trên tay mỗi đứa trẻ cầm một tấm ván gỗ thay cho một cuốn sách bài tập. Chúng đang chép một bản thảo tiếng A Rập bằng mực được mài từ than hòa với nước.
Bilal từng sống ở Afgoye, thị trấn được coi là vựa lúa mì cách Mogadishu, thủ đô của Somalia, 30km về phía Tây Bắc. Khi Bilal tới Dadaab cách đây 5 năm, anh nhận thấy nơi đây, anh có cơ hội được học hành hơn ở nhà. Ở Somalia, học phí cao và ban ngày trẻ em thường phải giúp đỡ gia đình làm việc ngoài đồng ruộng. “Trẻ em ở Dadaab được hưởng giáo dục tốt hơn. Chúng sẽ tạo nên sự thay đổi ở Somalia khi hồi hương” - Bilal nói.
Song khi nào họ sẽ trở về? Đây đang là vấn đề gây tranh cãi. Từ năm 1991, Chính phủ Kenya đã tiếp đón nhiều người tị nạn Somalia khi đất nước này xảy ra vào nội chiến. Kể từ đó, Dadaab đã phát triển thành tại tị nạn lớn nhất thế giới, hiện có tới hơn 350.000 người đang sinh sống.
Các trại tị nạn ở Dadaab
Giờ Kenya đang muốn đóng cửa các trại tị nạn với tuyên bố đây là mối đe dọa an ninh. Albert Kimathi, một quan chức hàng đầu của khu vực này, gọi Dadaab là “mầm mống phát sinh, nơi đào tạo cho Shebab, một nhánh của Al-Qaeda ở Somalia. Al-Qaeda sử dụng các trại tị nạn này như những nơi trú ẩn an toàn”. Kimathi khẳng định: “Tôi không gán cho bất cứ ai là kẻ khủng bố, song có nhiều kẻ khủng bố đến từ Somalia”.
Nhưng những người sống trong trại tị nạn ở Dadaab lại thấy những lời cáo buộc đó không đúng sự thật. Yakub Abdi rời thành phố Kismayo ở miền Nam Somalia từ năm 2011, sau khi các tay súng Shebab kết tội cha anh là gián điệp và sau đó hành hình cả cha mẹ anh. Abdi căm thù và sợ phải trở thành chiến binh Shebab nên anh đã tình nguyện làm trưởng nhóm bảo vệ ở 1 trong 5 trại tị nạn của Dadaab. Nhiệm vụ của anh là theo dõi sát những người mới nhập trại và báo cảnh sát bất cứ ai thấy nghi vấn.
“Đây không phải là nơi Shebab tuyển mộ lính. Sebab không ở đây. Tuy nhiên, biên giới phần lớn không được bảo vệ chỉ cách Dadaab 80km về phía Đông. Như vậy có nghĩa là chúng không ở xa đây” – Abdi khẳng định.
Vẫn có ước mơ & hy vọng
Mặc dù phải sống trong những ngôi lều tạm và hầu như chỉ sống dựa vào nguồn lương thực được “bố thí”, song Dadaab không phải là nơi chỉ có đau khổ và tuyệt vọng.
“Nhiều người nghĩ rằng trong các trại tị nạn không có cuộc sống, nhưng cuộc sống ở đây không đến nỗi nào. Ở Dadaab có nhiều vấn đề, song ở đây cũng có hy vọng và mơ ước” - Liban Mohamed, một nhà làm phim 28 tuổi đến từ Kismayo miền Nam Somalia, nói.
Ước mơ của Mohamed là được định cư ở Mỹ, nơi mẹ và các anh chị em anh đang sống, và tiếp tục làm phim. Đối với nhiều người khác thì mơ ước của họ là được về nhà
Mohamed Osman (42 tuổi) là một nhân viên y tế được học hành bài bản. Trong suốt 15 năm qua anh đã tư vấn, cấp thuốc và điều trị cho nhiều bệnh nhân tại phòng khám tư của mình. Anh rời Somalia từ năm 1992 với mong muốn được bình yên để làm ăn. Và ở Dadaab, gia đình anh đã “ăn nên làm ra”.
“Trẻ em ở Somalia không có hy vọng. Các con tôi đang học ở đây. Tôi không muốn trở về Somalia khi đất nước vẫn còn xung đột” – Osman chia sẻ.
Các sạp bán trái cây tại khu chợ trong trại tị nạn Hagadera ở Dadaab (Kenya)
Không xa phòng khám của Osman, dọc theo những con đường ngập ngụa và bẩn thỉu, một số người đang dỡ “khat”, một loại thảo dược mà khi nhai sẽ gây buồn ngủ.
Người bán buôn “khat” ngày nào cũng chở đầy 4 xe tải chất 50kg loại thảo dược này vào Dadaab và chưa bao giờ ế hàng, anh thu được hơn 293 USD/xe. Sau đó, những người bán lẻ chia “khat” ra thành từng kg, giá bàn tùy theo tùng mùa, rẻ nhất là vào mùa mưa. Fatima Ahmed (43 tuổi) cho biết cô mua với giá 1,12 USD/kg rồi sau đó bán với giá 1,5 USD/kg và nhờ vậy cũng đủ kiếm sống hàng ngày.
Lợi nhuận của những người bán hàng này lại được tái đầu tư vào thị trường đang hình thành và ngày càng phát đạt của Dadaab. Theo kết quả nghiên cứu hồi năm 2010, nền kinh tế nơi này đạt khoảng 25 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, Dadaab còn thu được 14 triệu USD/năm từ các hợp đồng và giao dịch thương mại của cộng đồng không phải người tị nạn gần đó.
Mỗi trại tị nạn đều có khu chợ riêng, song Hagadera là chợ nổi tiếng nhất. Giới chức Kenya mô tả đây là một “tiểu Dubai”. Nơi đây có các khách sạn và nhà hàng bán thịt lạc đà rán, bánh gối nóng cay và trà pha với sữa lạc đà, nhiều cửa hàng bán mì ống, gạo, sữa bột và đường. Phần lớn các món hàng này buôn lậu từ Somalia và được bán với giá giảm đáng kể. Nhiều cửa hàng điện tử bán điện thoại thông minh đời mới nhất. Còn ở những con hẻm là những cửa hàng bán quần áo cũ, mới, vải, giày. Bên cạnh đó còn có những sạp bán xoài, bơ, khoai tây và hành tây.
Ali Saha, người vừa tốt nghiệp đại học đang làm chủ một quán cà phê, bày tỏ anh muốn trở về Somali, song không phải bây giờ. “Ở Dadaab có cơ hội được học hành và xét theo hoàn cảnh của một người tị nạn thì như vậy quả là không tồi. Tôi sẽ trở về để có thể hỗ trợ cộng đồng mình ở Somalia, song tôi chỉ về khi đất nước tôi đã ổn định” – Saha chia sẻ.
Việt Lâm
Theo Guardian
Tags