Cuộc du hành qua… 3 tỷ năm tại London

Thứ Bảy, 20/07/2024 07:06 GMT+7

Google News

Sau quá trình cải tạo kéo dài 5 năm, khu vườn mới của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh quốc) vừa mở cửa đón khách. Nơi đây có những vách đá gây choáng váng với người xem, những tảng đá 3 tỷ năm tuổi, 1 khu rừng thời tiền sử và cả 1 con khủng long khổng lồ bằng đồng tênFern.

Như giới thiệu, cứ mỗi mét tản bộ trong khu vườn này, du khách sẽ được nhìn thoáng qua 5 triệu năm lịch sử trái đất.

Thực vật gắn liền với địa chất

Tại Lodon, rời đường hầm đi bộ của ga Nam Kensington, du khách có thể bước ngay vào cuộc phiêu lưu kéo dài nhiều thiên niên kỷ này.

"Chúng tôi muốn mọi người đi qua các niên đại địa chất" - tiến sĩ Paul Kenrick, nhà khoa học chịu trách nhiệm về khu vườn tiến hóa mới của bảo tàng, cho biết. Ông đứng ở lối ra đường hầm, nơi có 2 mặt vách đá dựng đứng ở 2 bên, tạo thành 1 hẻm núi gồ ghề với nhiều địa tầng xếp chồng lên nhau. Nó trông giống như kết quả của 1 vụ đứt gãy kiến tạo dữ dội: Các bức tường đá lao mạnh ra phía ngoài, như thể bị nứt ra từ sâu trong lòng trái đất, tạo khung cho quang cảnh 1 khu rừng dương xỉ thời tiền sử ở phía xa.

Cuộc du hành qua… 3 tỷ năm tại London - Ảnh 1.

Một góc khu vườn mới ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên

Cuộc hành trình bắt đầu với đá gneiss Lewisian - tảng đá lâu đời nhất, cứng nhất ở xứ sở này. Được hình thành khoảng 3 tỷ năm trước, nó được vận chuyển đến đây từ quần đảo Outer. Tiếp theo là những phiến đá sa thạch Torridon màu hồng khổng lồ, rồi tới đá thạch anh Cambri màu xanh lục và đá thạch nam xứ Wales màu tím. Tất cả nằm dọc theo đoạn dốc lịch sử địa chất của công viên.

"Với mỗi mét, ta đang du hành 5 triệu năm" - Kenrick cho biết - "Theo tỷ lệ này thì thời kỳ tiền Cambri sẽ bắt đầu cách đây nửa dặm nữa".

Bước qua lối vào đầy ấn tượng này, du khách chính thức tiến tới khu vườn trị giá 25 triệu bảng Anh (gần 33 triệu USD), được đại tu trong 5 năm. Năm mẫu đất cỏ và cây bụi từng bỏ hoang nay đã biến thành một cuộc phiêu lưu hấp dẫn xuyên suốt lịch sử sự sống trên trái đất, giống như phòng thí nghiệm sống về cách thiên nhiên thích ứng với khí hậu đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Feilden Fowles và công ty cảnh quan J&L Gibbons, đây là một cuộc dạo chơi tiến hóa đầy quyến rũ, xuyên thời gian xa xăm từ thời những loài rêu và rêu tản sớm nhất, cho đến sự xuất hiện của dương xỉ và rừng cổ đại, cũng như sự ra đời của các loài hoa, thảo nguyên và cuối cùng là rừng cây, bao quanh một cái ao tươi tốt có rất nhiều động vật hoang dã.

Cuộc du hành qua… 3 tỷ năm tại London - Ảnh 2.

Những phiến đá cổ là điểm nhấn của khu vườn

Trên đường đi, các đặc điểm địa chất phản ánh dòng thời gian của thực vật, cho thấy những gì nằm bên dưới lòng đất luôn ảnh hưởng đến những gì phát triển bên trên nó. Những khối đá granit rắn chắc nhường chỗ cho những khối đá pudding nạm sỏi - một dấu hiệu cho thấy cách đây 55 triệu năm, London còn là một khu rừng cận nhiệt đới.

Sau đó là những phiến đá phấn trắng dày dặn từ Bắc Ireland, đi cùng với đồng cỏ bắt đầu bao phủ những sườn dốc nhấp nhô nhẹ nhàng của khu vườn. Có rất nhiều ngóc ngách hấp dẫn giữa những con đường uốn khúc, những nơi lý tưởng để du khách ngồi và suy ngẫm về sự hiện diện của con người trên hành tinh này, như một đốm sáng giữa vô cùng thời gian.

"Xếp hàng để đi qua 3 tỷ năm, nghe có vẻ như một thử thách khó nhằn. Nhưng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London đã khiến điều đó trở nên vô cùng thú vị".

Những "điểm nhấn" quan trọng

Khung cảnh nguyên sơ này được dõi theo bởi những sinh vật đã lang thang trên trái đất từ xa xưa. Lớn nhất trong số đó là Fern, một tác phẩm đúc đồng mới từ mô hình bộ xương khủng long nổi tiếng Diplodocus (biệt danh là Dippy) từng nằm ở sảnh vào của bảo tàng.

Cơ thể dài 26 mét của Fern đứng thanh lịch giữa tán lá kỷ Jura, cổ và chiếc đuôi dài của nó được hãng Structure Workshop thiết kế khéo léo để có thể cong lên mà không cần sự hỗ trợ hữu hình, nhờ các dây cáp dự ứng lực bên trong.

Với tư thế mới - cong đuôi, cúi đầu xuống như đang đánh hơi những chiếc lá ngon lành nhất - sinh vật hùng vĩ này dường như sống động hơn bao giờ hết. Một con Megazostrodon giống chuột chù chạy dưới chân nó, cùng nhiều sinh vật đang mở to mắt đang ẩn nấp rải rác khắp khu vườn. Du khách cũng có thể nhận thấy dấu vết của những động vật có vú đầu tiên đặt chân lên đất liền.

Cuộc du hành qua… 3 tỷ năm tại London - Ảnh 4.

Chú khủng long khổng lồ bằng đồng tên Fern

Giữa không gian cổ sinh vật học, 2 tòa nhà mới cũng được thiết kế phù hợp với cảnh quan. Một trong số đó là quán cà phê, sẽ khai trương vào tháng 9.

"Chúng tôi muốn các tòa nhà lặp lại dòng thời gian địa chất" - kiến trúc sư Edmund Fowles cho biết. Ông tiết lộ chi tiết thêm rằng cột chịu lực của các tòa nhà bắt đầu bằng đá Purbeck giàu hóa thạch, sau đó là đá trắng Ancaster và đá vôi Clipsham, kết nối bằng rầm ngang bê tông - như ngụ ý về kỷ nguyên Anthropocene lấy con người làm trung tâm. Các mảnh thủy tinh và gốm sứ được gắn vào cuối con đường lát đá cẩm thạch, dẫn từ vườn vào nhà. Bên trong đó là một thế giới gỗ ấm áp.

Tòa nhà còn lại sẽ được dùng làm không gian học tập cho các đoàn học sinh và là phòng thí nghiệm cho các nhà khoa học. Nó có cùng tông màu và vật liệu với quán cà phê, nhưng có mái dốc với mái hiên bằng gỗ dài và thấp vươn ra phía khu vườn. Tòa nhà có thể trữ nước mưa nhờ hứng nước vào lòng sông nhân tạo, sau đó dẫn vào các bể chứa.

Cuộc du hành qua… 3 tỷ năm tại London - Ảnh 5.

Lối vào gây choáng ngợp của khu vườn

Khu vườn động vật hoang dã mà trước đây ít thu hút du khách giờ cũng đã được cải tạo. Phần ao của nó được mở rộng và có lối đi chìm, giúp mọi người có thể nhìn ngang mặt nước mà không bị ngã. Những chiếc bàn lớn ngoài trời cũng cho du khách cơ hội thư giãn ngắm nhìn quần thể đông đúc của những "cư dân" nước như chuồn chuồn và bọ cánh cứng.

"Chúng tôi đã xin danh sách các loài sinh vật cư trú và nhận được một bảng tính excel dài 33.000 trang" - Neil Davidson của công ty J&L Gibbons chia sẻ -  "Ở đây, luôn có những điều mới mẻ được phát hiện vì có rất nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu khu vườn".

Mạng lưới cảm biến được lắp đặt, giúp thu thập dữ liệu về môi trường và âm thanh, từ âm thanh dưới nước trong ao đến tiếng vo ve của cánh côn trùng, tiếng chim kêu và tiếng ồn giao thông - để giúp tìm hiểu tự nhiên đô thị đang thay đổi như thế nào. Thậm chí, ta có thể nghe thấy tiếng ngáy phát ra từ những người đang "tắm trong rừng một chút" trên ghế dài gần đó, như Davidson hóm hỉnh.

Toàn bộ cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với Trung tâm Darwin ì ạch của bảo tàng, thấp thoáng phía sau (được xây dựng vào năm 2009). Những gì đang diễn ra cho thấy cách tiếp cận với kiến trúc và cảnh quan nơi đây đã thay đổi như thế nào.

Trung tâm Darwin là một cái kén không có cửa sổ, được bao bọc bởi một hộp thủy tinh khổng lồ. Nó khác hẳn những tòa nhà mới - nơi kiến trúc và thiên nhiên giao hòa và đảm bảo rằng sự sống dưới mọi hình thức sẽ tiếp tục phát triển trên hành tinh này, rất lâu sau khi con người chỉ còn là những hóa thạch bị chôn vùi trong lớp địa chất tiếp theo.

Đôi nét về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London

Ra đời năm 1881, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên là 1 trong 3 bảo tàng lớn nằm trên đường Bảo tàng ở Nam Kensington (London), cùng với Bảo tàng Khoa học và Bảo tàng Victoria và Albert. Bảo tàng là nơi trưng bày khoảng 80 triệu mẫu vật, chia thành 5 bộ sưu tập chính: thực vật học, côn trùng học, khoáng vật học, cổ sinh vật học và động vật học.

Với gần 150 năm tuổi đời, nơi đây sở hữu nhiều bộ sưu tập có giá trị lịch sử cũng như khoa học rất lớn, chẳng hạn như các mẫu vật được Charles Darwin sưu tập. Bảo tàng đặc biệt nổi tiếng với triển lãm các bộ xương khủng long và kiến trúc trang trí công phu, tới mức được mệnh danh là thánh đường của thiên nhiên. Bảo tàng được công nhận là trung tâm nổi bật trên thế giới về lịch sử tự nhiên và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan.

Giống như các bảo tàng Quốc gia được nhà nước tài trợ khác ở Anh quốc, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên không thu phí vào cửa. Người bảo trợ của bảo tàng là Công nương xứ Wales. Có khoảng 850 nhân viên tại bảo tàng với 2 nhóm chiến lược lớn nhất là Nhóm Gắn kết công chúng và Nhóm Khoa học.

An Bình (theo Guardian)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›