Trở lại Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình) một ngày mùa Xuân, tôi gặp một cụ bà người Thái phúc hậu đang đi hái rau về cho thỏ. Qua kính ngắm máy ảnh, chợt thấy ở bà có nét quen thuộc.
Đúng rồi, tôi đã chụp bà lần đầu cách đây 24 năm, khi ở Bản Lác đang diễn ra một cuộc thi thể thao phối hợp gồm chạy, đạp xe, chèo bè tre… của các vận động viên quốc tế.
Hôm ấy, bà ngồi trên cầu thang ngôi nhà sàn ở cuối bản, khi ấy còn chưa trở thành dịch vụ lưu trú như bây giờ. Vấn chiếc khăn đỏ trên đầu chiếc áo cánh trắng truyền thống của người Thái trắng, bà bế trong lòng một bé trai khoảng hơn 1 tuổi. Gương mặt bà mế người Thái thu hút tôi bởi đôi mắt đẹp biết cười, hàm răng đen và đôi môi đỏ ăn trầu khi cười cũng tươi như bông hoa rừng mới nở. Tôi đã chụp bà khoảng 10 kiểu ảnh phim khi đó. Những lần đến Bản Lác sau này, tôi còn được chụp bà vào một trưa mùa Thu năm 2006, khi bà đang cùng cô cháu gái ngồi chẻ lạt ở phía sau nhà…
… Vẫn gương mặt đôn hậu và đôi môi đỏ ăn trầu cười tươi như hoa, bà nói tên Hà Thị Nhận, năm nay 80 tuổi. Sinh ra ở trong làng gần chân núi, nhưng bà đã làm dâu ở Bản Lác này từ năm 18 tuổi. Chồng mất sớm khi mới 43 tuổi, nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con, vì "có con có cháu rồi không muốn lấy ai nữa".
Ngôi nhà sàn tôi chụp bà ngày xưa, nay đã được làm to đẹp và đánh số 20, cũng là nhà nghỉ Linh Sôi, đặt theo tên cháu và con trai của bà.
Về Hà Nội, tôi tìm lại những bức ảnh đã chụp và gửi Zalo lên Bản Lác và lại được chị Thanh, cháu dâu của bà cảm ơn và mời đến nhà chơi nếu trở lại Mai Châu. Lời mời rất ân cần của người Thái. Chị cho biết, cậu bé trong ảnh được bà bế 24 năm trước là Vì Văn Quốc, cháu nội của bà, đang đi làm dưới tỉnh Hà Nam. Cô gái ngồi chẻ lạt cùng bà trong bức ảnh tôi chụp năm 2006 thì tên là Vì Thị Anh, nay làm kế toán và đã lấy chồng, có con học mẫu giáo.
Chúc cho cụ bà Hà Thị Nhận sẽ mạnh khỏe, sống lâu trong an nhiên cùng con cháu. Trong mắt tôi, bà là một người phụ nữ đôn hậu, dễ mến, và tôi mong sẽ được gặp, được chụp ảnh bà nhiều lần nữa…
Tags