(Thethaovanhoa.vn) - Lý Quang Diệu được xem là cha đẻ Singapore hiện đại, là cột mốc trung tâm trong đó hoạt động chính trị tại quốc đảo này vận hành êm ái suốt gần 5 thập kỷ.
Sự kiện ông qua đời đã thu hút mối quan tâm lớn của dư luận thế giới nói chung, châu Á nói riêng. Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại các dấu mốc chính trong cuộc đời ông.
Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 ở Singapore. Ông sống một thời gian ngắn trong ngôi nhà số 147, giờ nằm ở đường Neil. Khi ấy Singapore vẫn là thuộc địa Anh. Điều này có nghĩa Lý Quốc Diệu mang quốc tịch Anh và tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên ông sử dụng. Ông không nói tiếng Trung Quốc cho tới tận khi ở độ tuổi 30. Ông theo học tại một trường Anh ở Singapore, trở thành học sinh có thành tích tốt nhất trong năm đó ở Singapore và Malaysia.
Thế chiến thứ 2 bùng nổ khiến kế hoạch tới Anh học tập của Lý Quang Diệu bị ngưng trệ. Tháng 2/1942, quân đội Anh đầu hàng phát xít Nhật. Ông Lý Quang Diệu đã may mắn thoát khỏi việc bị bao vây và sát hại trong cuộc thảm sát Sook Ching, một trong những vụ tàn sát quy mô lớn nhất mà phát xít Nhật thực hiện ở đất Singapore. Lý Quang Diệu sau này nói rằng có từ 50.000 tới 100.000 người đã chết và việc Anh không thể ngăn chặn vụ thảm sát là bằng chứng cho thấy người Singapore cần tự quyết định số phận của mình.
Sau chiến tranh, Lý Quang Diệu bắt đầu theo học đại học ở Trường kinh tế London và sau đó là Đại học Cambridge. Khi ở Anh, ông đã kết hôn với bà Kwa Geok Choo (ảnh chụp năm 1965) - một học giả tài năng người Singapore, trong lễ cưới bí mật tổ chức ở Stratford-upon-Avon.
Năm 1949, Lý Quang Diệu từ chối công việc luật sư ở Anh và trở lại Singapore, nơi ông hành nghề luật sư và tham gia vào các phong trào của công đoàn thương mại.
Năm 1954, Lý Quang Diệu trở thành sáng lập viên kiêm Tổng thư ký đảng Nhân dân hành động (PAP). Đảng này là một liên minh giữa các phong trào hoạt động của người nói tiếng Trung và nói tiếng Anh, nhằm chấm dứt sự cai trị của Anh.
Tháng 12/1959, ông Lý Quang Diệu đã hiện diện khi Anh trao quyền tự trị cho Singapore, dù vẫn nắm quyền kiểm soát các vấn đề ngoại giao và quốc phòng.
2 ngày sau đó, ông Lý Quang Diệu, mới 36 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore tự trị. Đây là vị trí ông tiếp tục nắm giữ trong 3 thập kỷ tiếp theo.
Ông bắt đầu xây dựng một chương trình tham vọng kéo dài 5 năm, bao gồm việc dọn dẹp các khu ổ chuột, xây dựng nhà ở giá rẻ chất lượng cao cho dân, tiến hành hoạt động công nghiệp hóa và chống tham nhũng. Ông nói và bảo vệ mạnh mẽ quan điểm cho rằng Singapore phải là quốc gia đa chủng tộc.
PAP bắt đầu vận động để Singapore độc lập hoàn toàn và hợp nhất vào Liên bang Malaya. Ông tin rằng Singapore quá nhỏ, không đủ tài nguyên để tồn tại. Trong ngày 16/9/1963, Lý Quang Diệu tuyên bố việc hợp nhất thành công tại Tòa thị chính Singapore, chấm dứt 144 năm đô hộ của Anh.
Nhưng căng thẳng sắc tộc đã tăng lên giữa người gốc Trung Quốc chiếm đa số ở Singapore và người Malay, về việc dân tộc nào sẽ đại diện cho Liên bang Malaysia. Bất chấp việc ông Lý Quang Diệu kêu gọi bình tĩnh, vài vụ xung đột lớn đã xảy ra làm hàng trăm người bị thương, 20 người thiệt mạng.
Ngày 9/8/1965, ông Lý Quang Diệu gạt nước mắt thông báo đã đồng ý với yêu cầu của Malaysia rằng Singapore phải rời khỏi liên bang để chấm dứt các màn đổ máu, đã gây bất ổn định cho liên bang. 2 ngày sau, ông tuyên bố Singapore là quốc gia độc lập.
Trong vòng 31 năm tiếp theo tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một đất nước không tài nguyên, bị bỏ rơi thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Đất nước này đi đầu trong các chính sách xây nhà cho dân và chăm sóc y tế toàn dân. Ông Lý đề cao giáo dục, thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là con người nơi đây. Ông thường xuyến khích những người có học thức tốt kết hôn và sinh con đẻ cái.
Singapore mở cửa đón đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài, sử dụng mạnh lao động nhập cư, trong khi triển khai một chính sách định mức nhà ở dựa theo chủng tộc rất chặt chẽ.
Sau khi rời khỏi ghế Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã thường xuyên đưa ra lời khuyên cho nhiều lãnh đạo nước ngoài muốn hiểu rõ hơn về châu Á hoặc học hỏi kinh nghiệm Singapore. Cụ thể nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã ghé thăm Singapore vào năm 1978 để học hỏi mô hình phát triển của quốc đảo. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ca ngợi ông Lý Quang Diệu có "cách để chọc thủng làn sương tuyên truyền và trình bày với một sự rõ ràng hiếm có về các vấn đề mà chúng ta đang đối và cách thức giải quyết". Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng không một nhà lãnh đạo thế giới nào dạy ông nhiều hơn Lý Quang Diệu.
Khi đôi bên gặp gỡ vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi Lý Quang Diệu là một trong những "nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21".
Trong những năm cuối đời, vợ Lý Quang Diệu, bà Kwa Geok Choo trở nên ốm yếu và mắc chứng quên của người già. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi năm 2010, Lý Quang Diệu nói rằng áp lực từ việc chăm sóc vợ còn khó hơn bất kỳ thứ gì khác mà ông từng đối mặt trong chính trị.
Bà Kwa qua đời vào tháng 10/2010. Hàng ngàn người dân Singapore đã đổ xuống phố tiễn đưa bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. "Không có bà ấy" - ông Lý Quang Diệu nói trong lễ tang - "Tôi sẽ là một con người khác, với một cuộc đời rất khác".
Ông Lý Quang Diệu vẫn quan tâm và dính líu tới chính trị cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Dù rời khỏi ghế Thủ tướng vào năm 1990, ông vẫn là Bộ trưởng Cao cấp trong nội các. Người ta vẫn xin ý kiến ông trên mọi vấn đề.
Lần cuối cùng Lý Quang Diệu xuất hiện trước đông đảo công chúng là ở tuổi 90, khi ông dự ngày Quốc khánh Singapore, kỷ niệm 49 năm kể từ khi ông ký thỏa thuận đã khiến bản thân phải gồng mình gánh cả đất nước trên vai. Ông qua đời chỉ vài tháng trước khi tới Quốc khánh thứ 50.
Tường Linh (Tổng hợp)
Tags