(Thethaovanhoa.vn) - Di vật, cổ vật là một bộ phận cấu thành quan trọng của các di tích và có thể nói là linh hồn của di tích. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bị kẻ gian đột nhập, đánh cắp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng tâm linh, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ di vật, cổ vật cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành.
- Quảng Ninh bổ sung quy hoạch xây dựng cáp treo tại di tích chùa Lôi Âm
- Di tích Hải Vân Quan: 20 năm cho sự đồng thuận
- Di tích và màu sơn
Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, một trong những ngôi chùa cổ tiêu biểu với nhiều di vật, cổ vật quý có niên đại hàng trăm năm. Đầu năm 2017, lợi dụng lúc nhà chùa cùng các ngành chức năng đang tất bật chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, kẻ gian đã đột nhập vào chùa lấy đi một pho tượng Quan âm Tống tử bằng gỗ có niên đại khoảng 200 năm.
Trước đó, đầu năm 2016 kẻ trộm cũng đột nhập lấy đi 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình, năm 2009 lấy đi 6 pho tượng phật. Để bảo vệ các di vật, cổ vật, nhà chùa đã cho lắp đặt hệ thống camera, đồng thời cất giữ. Tuy nhiên do ngôi chùa khá rộng, nhiều cửa ra vào, chùa lại nằm nơi vắng vẻ, thưa dân cư nên việc đề phòng mất trộm gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, để bảo vệ các di vật, cổ vật trong chùa, Công an huyện Việt Yên đã cử một cán bộ hằng đêm vào canh giữ, bảo vệ, trông coi cùng nhà chùa.
Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà bức xúc cho biết: Các đối tượng trộm cắp thường lợi dụng đi lễ phật để tìm hiểu đường đi lối lại. Sau đó, lợi dụng những lúc thanh vắng như đêm khuya hoặc buổi trưa, dùng kìm cộng lực cắt khóa hoặc vật sắc nhọn cậy cửa để trộm cắp nên nhà chùa không phát hiện được.
Chùa Bổ Đà chỉ là một trong số nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị kẻ gian đột nhập, lấy cắp di vật, cổ vật. Có nhiều ngôi chùa đã bị mất trộm từ 3 - 4 lần như chùa Khám Lạng, chùa Phương Lạn (Lục Nam), chùa Bổ Đà, chùa Thổ Hà (Việt Yên). Các di tích bị mất trộm chủ yếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ kính, nằm ở những nơi giao thông thuận lợi dọc theo các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Số liệu thống kê của Công an tỉnh Bắc Giang, từ năm 2003 đến năm 2016, trên địa bàn Bắc Giang xảy ra 44 vụ xâm hại, trộm cắp di vật, cổ vật, kẻ gian lấy đi 208 di vật, cổ vật các loại.
Điều đáng nói là hầu hết các vụ mất cắp này đều chưa tìm ra thủ phạm, thu giữ được hiện vật để trả về cho di tích. Mặc dù đã tích cực vào cuộc, tập trung điều tra, nhưng đến nay Công an tỉnh Bắc Giang mới làm rõ 1 vụ, tìm ra 1 đối tượng trộm cắp và thu hồi 5 hiện vật bị mất tại Đình Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang.
Theo Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang, đối tượng thực hiện các hành vi trộm cắp di vật, cổ vật có thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, đối tượng thường nghiên cứu kỹ lưỡng về quy luật hoạt động của di tích, người quản lý và những di vật, cổ vật nào có giá trị để trộm cắp. Các vụ trộm cắp xảy ra, khi cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường đều không thu được nhiều dấu vết. Việc định giá các di vật, cổ vật còn gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến việc định khung và phân cấp điều tra xử lý đối tượng tội phạm.
Tỉnh Bắc Giang có trên 2,2 nghìn di tích, trong đó có trên 700 di tích được xếp hạng, với hàng nghìn di vật, cổ vật có giá trị. Nhưng hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ các di vật, cổ vật còn nhiều hạn chế. Mới chỉ có các di tích được xếp hạng thành lập Ban quản lý di tích, nhưng các Ban quản lý di tích cơ sở lại hoạt động kém hiệu quả, công tác này chủ yếu giao cho chi hội người cao tuổi hoặc các sư trụ trì tại các chùa thay phiên nhau trông coi vào ban ngày, còn ban đêm hầu như vắng vẻ. Hệ thống đảm bảo an ninh như cửa, khóa, hệ thống tường bao còn sơ sài.
Hầu hết các di tích chưa có sổ đăng ký và theo dõi tài liệu di vật, cổ vật, chưa tiến hành lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản di vật cổ vật. Mặt khác, việc phối hợp bảo vệ di tích giữa các ngành chức năng còn thiếu đồng bộ, công tác phối hợp bảo vệ di tích giữa công an, chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ không được tiến hành thường xuyên, thậm chí chỉ khi xảy ra vụ việc mới được quan tâm.
Để phòng chống mất trộm di vật, cổ vật tại các di tích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho biết: Từ nay đến năm 2018, ngành văn hóa tỉnh sẽ tiến hành kiểm kê đối với toàn bộ di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn, xác định rõ số lượng di vật, cổ vật, để có biện pháp quản lý, bảo vệ những điểm di tích có cổ vật giá trị.
Bên cạnh đó, từng bước áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát cổ vật trong các di tích thông qua ứng dụng khoa học công nghệ như lắp đặt camera, số hóa di vật, hiện vật, đánh mã số quản lý để dễ nhận diện.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ di vật, cổ vật, tổ chức các lớp tập huấn về giám định cổ vật, ngành văn hóa sẽ gắn trách nhiệm rõ ràng cho từng người trong việc trông coi, bảo vệ di tích; đồng thời, tăng cường hệ thống đảm bảo an ninh như cửa, khóa, tường bao.
Tuy vậy, bên cạnh những giải pháp của ngành văn hóa, các ngành, địa phương ở Bắc Giang cũng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác này, như khẩn trương thành lập, củng cố và kiện toàn các Ban quản lý di tích cơ sở, bố trí lực lượng công an phối hợp với các di tích cử người trông coi, canh giữ. Song song đó, cần đẩy mạnh việc điều tra, làm rõ các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ di vật, cổ vật để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm tăng tính răn đe. Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho biết thêm.
TTXVN/Phương Thúy
Tags