Dù thiếu tốc độ, đoàn quân của Zlatko Dalic có thói quen dồn ép đối phương, khi Nhật Bản nhận thất bại trong loạt luân lưu ở vòng 1/8.
Chiến thắng của Croatia trên chấm phạt đền đã được định đoạt ngay khi đồng hồ điểm vào hiệp phụ: Khi ngọn lửa của Nhật Bản vụt tắt, cơ bắp của họ đã lỏng ra.
Đá theo cách của Croatia
Croatia một lần nữa cho thấy họ là bậc thầy của "bóng đá đi bộ". Không có đội tuyển hàng đầu nào khác thiếu tốc độ đến mức rõ rệt như Croatia nhưng họ luôn cố gắng để đảm bảo rằng điều đó không thành vấn đề.
Có những thời điểm trong suốt 90 phút, Nhật Bản đã khiến Croatia khốn khổ. Tốc độ của hậu vệ cánh phải Junya Ito đã khiến các cầu thủ Croatia mệt nhoài, trong khi Ritsu Doan có khả năng kiểm soát bóng cực tốt và tầm hoạt động rộng.
Logic có thể đã cho rằng một đội có nhiều năng lượng và tốc độ như vậy sẽ ngay lập tức hạ gục đối thủ của mình trong thời gian đá hiệp phụ. Nhưng đối thủ của Nhật lại là Croatia. Đội bóng của Zlatko Dalic đã nhập cuộc, kiểm soát mọi thứ và làm những gì họ thường làm, dù cách họ thi đấu như thể "chuyển động chậm" vậy.
Chiến thắng trong hiệp phụ của Croatia trước Anh ở Moskva bốn năm trước là ví dụ tiêu biểu. Vào thời điểm đó, Luka Modric đã thể hiện màn trình diễn ở hàng tiền vệ có lẽ là hay nhất của giải đấu, kéo theo một đội bóng vốn đã mệt mỏi vào chung kết. Tác động của Modric không còn lớn ở trận gặp Nhật vừa qua, ngay cả khi cú đánh đầu đẹp như tranh vẽ của Ivan Perisic được thực hiện vào thời điểm ảnh hưởng của tiền vệ Real Madrid tăng lên rõ rệt.
Modric suýt ghi bàn từ một cú vô lê và trong hiệp một, anh đã có đường chuyền bằng má ngoài chân phải sở trường cho Perisic. Nhưng Croatia có thói quen làm bạn suy sụp trong khi bạn không hề hay biết trong quá trình này: Ở đây, sự vượt trội về kỹ thuật và thể chất của họ đã tạo ra hiệu ứng ru ngủ đối thủ.
Đó là cách Croatia đá các trận đấu loại trực tiếp khi 7 trong 8 trận knock-out gần nhất của họ phải bước sang hiệp phụ. Croatia tự tin rằng, dù quá trình này kéo dài và tốn nhiều công sức đến đâu, trận đấu sẽ diễn ra theo ý muốn của họ.
Brazil là mục tiêu tiếp theo
Dù cho đội bóng của Hajime Moriyasu đã nỗ lực và chủ động như thế nào, nhưng chỉ có một cầu thủ trên sân, Ivan Perisic (tác giả bàn gỡ hòa bằng cú đánh đầu ngoạn mục), đã ghi bàn trong một trận chung kết World Cup. Trải nghiệm đó mang lại cho Croatia tầm nhìn cần thiết để thiết lập một thế trận phù hợp với điều kiện, nhịp độ của trận đấu.
Điều khích lệ cho Nhật Bản là họ đang ngày càng tiệm cận đẳng cấp thế giới. Đây là lần thứ tư Nhật bị loại ở vòng 16 đội, tất cả đều xảy ra một cách sít sao và hai lần diễn ra trên chấm 11m. Nỗi đau đớn trước đó từ cự ly 11m diễn ra vào năm 2010 khi đối đầu Paraguay ở Pretoria: Đó là một Nhật Bản rất cứng rắn, lão luyện, giỏi ở hầu hết các khâu, nhưng lại không có kinh nghiệm ở loạt sút luân lưu.
Những cầu thủ giỏi nhất của Nhật đang thi đấu tại các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu và hầu hết đều còn trẻ đủ để phát triển. Nếu Croatia là bằng chứng cho thấy kinh nghiệm mang lại cho bạn lợi thế, thì hành trình chung mà Nhật Bản đã trải qua chắc chắn sẽ được lưu trữ như một nguồn tài nguyên vô giá để đào sâu khi cần nguồn cảm hứng trong tương lai. Họ vẫn chưa nằm trong nhóm hàng đầu nhưng con đường ở đó ngày càng trở nên rõ ràng.
Croatia có lẽ sẽ phải thay đổi một khi Modric, vẫn miệt mài ở tuổi 37, quyết định giải nghệ. Người thay thế Modric trong hiệp phụ, Lovro Majer, 24 tuổi, là một hy vọng cho Croatia. Croatia không hoàn toàn khuất phục Nhật Bản nhưng họ đã dẫn dắt đối thủ đến bờ vực thẳm một cách thành thạo. Modric nghịch nghịch mái tóc của mình khi rời sân, không hề tỏ ra lo lắng rằng những ngày của anh trên sân khấu World Cup đã sắp hết. Anh và Croatia sẽ tiếp tục thứ "bóng đá đi bộ" trước Brazil: Kìm hãm Vínicius Jr, Neymar và đồng đội theo cách tiếp cận trận đấu của mình trên đường giành vé vào bán kết.
Vũ Mạnh
Tags