Khi Yokohama FC xuống hạng, truyền thông cũng như người hâm mộ đặt ra rất nhiều giả thuyết cho lựa chọn tiếp theo của Công Phượng trong sự nghiệp cầu thủ, nhưng bản thân Phượng có lối đi riêng và hoàn toàn tự chủ trong quyết định của mình.
Sau 15 năm tập luyện và thi đấu cho HAGL, xen kẽ trong đó là những chuyến xuất ngoại ngắn hạn theo dạng cho mượn đến Bỉ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, cuối cùng Công Phượng cũng đến Nhật Bản khoác áo Yokohama FC với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, tính từ tháng 1/2023.
Việc Công Phượng ký hợp đồng lên tới 3 năm với đội bóng thuộc dạng trung bình yếu của J-League 1, giải đấu hàng đầu của Nhật Bản, khiến nhiều người hoài nghi, cả về khả năng cạnh tranh, thích ứng của cá nhân tiền đạo này cũng như những ràng buộc có thể phát sinh.
Nhưng như đã nói ở trên, Công Phượng là người tự chủ, đã có gia đình nên biết lựa chọn nào là tốt nhất cho bản thân cũng như những người thân yêu. Không chỉ chuyển sang Yokohama FC thi đấu, Công Phượng còn đưa cả vợ, con sang sinh sống lâu dài ở Nhật Bản.
Nói một cách khác, Công Phượng cùng gia đình đã ổn định cuộc sống lâu dài ở xứ sở mặt trời mọc và dường như anh đã chọn Nhật Bản là nơi lập nghiệp lâu dài sau hôn nhân.
Trong mùa giải đầu tiên của bản hợp đồng có thời hạn 3 năm cùng Yokohama FC, Công Phượng chủ yếu được ra sân ở các trận đấu tập, chỉ 1 lần thi đấu chính thức cho Yokohama khi vào sân ở phút bù giờ hiệp 2 trận thua Nagoya Grampus 2-3 tại J-League Cup.
Công Phượng không được đăng ký bất cứ trận nào tại J-League 1 và Cup Hoàng đế. Cũng chính vì lý do này mà Công Phượng dần bị lãng quên ở đội tuyển bóng đá quốc gia khi không có tên trong danh sách sơ bộ 50 cầu thủ được HLV Philippe Troussier đăng ký cho Asian Cup 2023.
Công Phượng cũng đã không được ông Troussier triệu tập ở 2 đợt tập trung quan trọng gần nhất, vào tháng 10 và 11. HLV Philippe Troussier trong đợt tập trung đội tuyển Việt Nam dịp FIFA Days hồi tháng 9 với trận thắng Palestine khi Công Phượng vào sân từ băng ghế dự bị rồi ghi bàn đã nói thẳng việc thiếu trải nghiệm đã khiến cầu thủ này gặp khó khăn khi phải thi đấu với cường độ cao.
Ông mong Công Phượng tự tìm thêm cơ hội thi đấu ở cấp CLB để có thể cạnh tranh sòng phẳng vị trí của mình trên đội tuyển Việt Nam.
Không chỉ HLV Troussier hay bất cứ ai ngoài cuộc mà chính bản thân Công Phượng là người hiểu rõ nhất sự cạnh tranh ở môi trường thi đấu tại Nhật Bản dù là tại J-League 1 và sắp tới đây là J-League 2 do Yokohama FC xuống hạng khốc liệt đến nhường nào.
Nhưng trong những diễn biến mới nhất, với việc đưa vợ con về Việt Nam nghỉ ngơi sau khi mùa giải 2023 tại Nhật Bản kết thúc, Công Phượng đã xác định không rời Yokohama FC, chấp nhận bước tiếp khi hợp đồng còn đến tháng 1/2026. Không những vậy, Công Phượng còn tìm những hướng đi cho mình ngoài sự nghiệp cầu thủ, đó là học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp từ cách tiếp thị, quản lý đến những hoạt động liên quan đến môi giới, chuyển nhượng cầu thủ.
Đời cầu thủ bóng đá không dài và với một người chuẩn bị bước sang tuổi 29 như Công Phượng thì việc tính toán đường đi nước bước cho mình ngay từ khi còn chưa nghỉ thi đấu cũng là hợp lý. Công Phượng giờ đây không còn là một cầu thủ trẻ quanh năm, ngày tháng chỉ biết ăn, nghỉ, tập luyện và thi đấu như thuở nào mà đã có nhiều hơn một sự lựa chọn cho cuộc sống.
Nói cách khác, Công Phượng giờ không chỉ có mối bận tâm duy nhất là bóng đá và được chọn lối đi riêng cho mình và người khác không thể nghĩ thay.
Tags