(Thethaovanhoa.vn) - Công Phượng đã từng là biểu tượng, niềm hy vọng của nhiều thế hệ những người yêu bóng đá, được ví là thần đồng, thậm chí là “Messi Việt Nam”. Nhưng chính những mỹ từ đó đã và đang “giết chết” tiền đạo này.
- HLV Guillaume: 'U21 HAGL thua vì Công Phượng mất tự tin…'
- U21 HAGL 0-1 U21 Thái Lan: Công Phượng vô duyên, Văn Toàn tịt ngòi
- Thầy ruột Xuân Trường, Công Phượng nhận sứ mệnh tái hiện bóng đá đẹp
Dưới thời HLV Toshiya Miura trước kia và nay là Nguyễn Hữu Thắng, Công Phượng cùng Tuấn Anh và Xuân Trường “được” và “bị” coi là những nhân vật không thể thiếu. Thậm chí, nhiều trận đấu, dư luận còn gây áp lực để HLV trưởng sử dụng Công Phượng trong đội hình xuất phát.
Không thể phủ nhận Công Phượng là một tài năng, sở hữu nhiều tố chất để có thể trở thành một cầu thủ giỏi, một biểu tượng mới của bóng đá Việt Nam. Nhưng chỉ tố chất thiên bẩm thôi thì chưa đủ, để thành tài, không riêng gì Công Phượng mà bất cứ cầu thủ nào còn phải trải qua quá trình khổ luyện , tích lũy kinh nghiệm cả trong tập luyện lẫn thi đấu.
Công Phượng vẫn chưa lấy lại được phong độ thi đấu tốt nhất. Ảnh: Quang Liêm
Về nỗ lực trong tập luyện, không HLV nào có thể chê Công Phượng, dù đó là ở CLB hay khi lên tập trung đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sự tự tin là thứ mà Công Phượng đang thiếu, rất thiếu. Đây là hệ quả của việc ít được thi đấu. Tại CLB Mito Hollyhock ở J.League 2 mùa giải 2016, Công Phượng chỉ có 6 lần được ra sân và hầu hết trong số đó là từ băng ghế dự bị, vào sân ở những phút cuối cùng.
Lên đội tuyển Việt Nam thi đấu tại AFF Suzuki Cup 2016, số lần ra sân, số phút thi đấu của Công Phượng cũng không nhiều hơn bao nhiêu vì chỉ đóng vai trò dự bị cho Văn Quyết, đá cặp với Công Vinh trên hàng tiền đạo.
Và rồi bầu Đức quyết định đưa Công Phượng và Tuấn Anh về nước khoác áo HAGL thi đấu tại V.League, lấy đó là môi trường rèn luyện cho mục tiêu chinh phục tấm HCV SEA Games cùng U23 Việt Nam trong năm 2017. Tại V.League mùa giải mới, chắc chắn Công Phượng sẽ được ra sân nhiều hơn nhưng ngay từ lúc này, bài toán phong độ và sự tự tin, điều cần có với bất cứ cầu thủ nào thì chỉ Công Phượng mới có thể giải được, không phải Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng hay thầy ruột từ thời còn ở Học viện Guillaume Graechen.
Chính Guillaume Graechen hy vọng có thể làm hồi sinh Công Phượng trong khoảng 15 ngày. Nhưng hai năm qua, Công Phượng không tập luyện và thi đấu dưới tay thầy ruột, để rồi sau khi U21 HAGL thua U21 Thái Lan 0-1, ông thầy người Pháp đã phải thừa nhận Phượng đang mất dần đi sự tự tin và đó là nguyên nhân của sự mờ nhạt.
Không riêng gì Công Phượng mà toàn đội U21 HAGL đã chơi không tốt ở trận thua U21 Thái Lan vừa qua. Ngoài Công Phượng, những tuyển thủ quốc gia khác như Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn cũng không còn là chính mình khi đá với đối thủ cùng lứa của bóng đá xứ chùa Vàng, dù trên thực tế họ là thành viên của tập thể vừa tham dự AFF Suzuki Cup 2016.HLV Lê Thụy Hải khi nhắc đến Công Phượng đã hơn một lần khẳng định tiền đạo này phải thay đổi cách đá nếu không sẽ còn tiếp tục lạc lõng, chơi mờ nhạt, dù trong đội hình nào. Nhưng ông Hải cũng phải thừa nhận Công Phượng “chậm tiến” thời gian qua cũng là do ngồi dự bị liên tục từ CLB đến đội tuyển quốc gia.
Ngồi dự bị nhiều khiến Công Phượng mất cảm giác bóng, mất đi sự tự tin vốn cố nhưng để trở lại, không ai khác, chính Phượng phải tự cứu mình.
“Công Phượng chưa bao giờ chơi tồi hai trận liên tiếp” – HLV Guillaume Graechen tuyên bố như thế. Mong là Công Phượng thể hiện được như niềm tin, sự kỳ vọng của ông thầy.
Hàn Đan
Tags