(Thethaovanhoa.vn) - Để tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa; trong đó có hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) được xem là lời giải cho bài toán vừa phát triển hạ tầng giao thông vừa giảm áp lực nợ công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn đó những bất cập nảy sinh trong quá trình vận hành các dự án , gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
- Bộ trưởng GTVT: Xử lý nghiêm đối tượng kích động, gây rối trạm phí BOT
- Kiến nghị xử lý hình sự và dừng thu phí BOT cầu Đồng Nai
- Không chấp nhận giá vé mới, BOT Sóc Trăng vẫn căng thẳng
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong những ngày đầu Năm mới cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT. Để có cái nhìn sâu hơn về câu chuyện BOT, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
* Chủ trương về BOT là đúng đắn, hiệu quả là rõ ràng, nhưng tại sao dự án BOT thời gian gần đây lại gây bức xúc trong dư luận xã hội?
- Phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng đang là đòi hỏi bức thiết nhằm tháo gỡ những "nút thắt" của nền kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, bội chi liên tục trong nhiều năm, nợ công cao ở mức sát trần thì việc thực hiện chủ trương xã hội hóa dưới hình thức đầu tư công - tư (PPP), trong đó có BOT là tất yếu, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế thì việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm gần đây đã tạo lập được môi trường đầu tư khá hấp dẫn, thu hút đầu tư lớn. Năm 2017, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 1/3 GDP, trong đó FDI đăng ký lên tới 29,7 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng GDP đạt mức 6,81% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Có thể nói, xã hội hóa đầu tư, trong đó có BOT là chủ trương trúng và đúng. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện đang đặt ra nhiều vấn đề, chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tôi cho rằng, có một số vấn đề cần đặt ra. Đó là chúng ta làm BOT trên một số tuyến đường độc đạo; vừa đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ vừa đầu tư bằng nguồn vốn BOT; người dân không có sự lựa chọn trong việc sử dụng con đường do họ đóng thuế hay con đường mà các nhà đầu tư ứng vốn, phải trả phí như các nước vẫn làm. Tiếp theo là việc đặt trạm thu phí không đúng vị trí, buộc người dân đi qua một đoạn hoặc thậm chí không đi qua vẫn phải trả phí cho đoạn đường dài hơn.
Cùng với đó là do đấu thầu không thành công nên phải xin cơ chế thực hiện, tập trung chủ yếu dưới hình thức chỉ định thầu đối với các dự án BOT trong thời gian gần đây. Đồng thời, việc quản lý, triển khai các dự án BOT chưa công khai, minh bạch, dẫn đến tình trạng khai tăng tổng mức đầu tư, tính mức lưu lượng xe thấp, làm tăng mức phí hoặc kéo dài thời gian thu phí.
* Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần chịu trách nhiệm giải trình đầy đủ và minh bạch với nhân dân về các bất cập của trạm thu phí và mức thu phí hiện nay, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, khi người dân có ý kiến về các bất cập của trạm thu phí và mức thu phí hiện nay thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, giải trình đầy đủ và minh bạch trước nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc giải trình đầy đủ, kịp thời giúp người dân hiểu đúng vấn đề, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và ngược lại những kiến nghị đúng của người dân sẽ giúp các cấp chính quyền xem xét, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã giải trình báo chí những vấn đề nổi lên ở trạm thu phí Cai Lậy, nhưng tôi cho rằng nên giải trình sớm hơn, đối thoại với đại diện người dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của họ. Mặt khác, những kiến nghị của người dân đúng cần sớm có giải pháp khắc phục thì chắc chắn sẽ không có điểm nóng như thời gian qua.
* Thưa ông, vì sao dự án BOT đều thực hiện chỉ định thầu?
- Chủ trương xã hội hóa dưới hình thức BOT có từ lâu, nhưng hầu như không triển khai được, không có nhiều nhà đầu tư tham gia và thực tế đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư ngoài nước do chưa thật hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, phải cho phép chỉ định thầu để huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ các "nút thắt" của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi xin nói rằng việc chỉ định thầu nếu làm tốt thì vẫn hiệu quả.
Ví như việc chỉ định thầu trong việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để cải tạo, mở rộng, nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 1 và đường 14 đoạn qua Tây nguyên không những không làm tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án mà còn thực hiện rất nhanh, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước lên tới 10 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, nếu chỉ định thầu công khai, minh bạch, đúng thực tế thì có thể rút ngắn thời gian triển khai dự án, tiết giảm chi phí.
* Với những phương án như giảm mức thu phí, nhưng kéo dài thời gian thu phí liệu có thể giải quyết được rốt ráo, căn cơ câu chuyện BOT không, thưa ông?
- Việc giảm mức phí qua các trạm BOT là cần thiết bởi với mức phí như hiện nay đã làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và mức đóng góp của người dân, nhất là trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt với phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, căn cơ vấn đề đầu tư BOT thì phải khắc phục mọi hạn chế, tồn tại của hình thức đầu tư này. Nếu xác định tổng mức đầu tư, lưu lượng xe không sát thực tế, đặt vị trí trạm thu phí không đúng, đi một đoạn phải trả tiền toàn tuyến… thì việc hạ mức phí, kéo dài thời gian thu phí vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề.
* Cần xây dựng hành lang pháp lý nào để đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của nhà đầu tư đối với các dự án BOT nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông và trước mắt là mục tiêu huy động vốn xây dựng cao tốc Bắc - Nam, thưa ông?
- Đối với các dự án BOT phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân thì mới duy trì được sự bền vững và phát triển. Để thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông và trước mắt là mục tiêu huy động vốn xây dựng cao tốc Bắc – Nam thì cần phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Luật như Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật NSNN… và các văn bản hường dẫn các luật này, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật điều chỉnh đầu tư dưới hình thức đối tác công - tư nói chung và BOT nói riêng.
Cùng với đó, Quốc hội cần xem xét ban hành Luật về đầu tư dưới hình thức đối tác công – tư; thực hiện công khai, minh bạch từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thẩm định, quyết định và triển khai nhằm khắc phục tình trạng lợi ích nhóm trong việc quyết định và thực hiện các dự án này; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, sự giám sát của người dân, kịp thời lắng nghe, đối thoại với đại diện người dân; kịp thời tiếp thu ý kiến chính đáng của nhân dân và không để vấn đề kinh tế trở thành vấn đề xã hội, chính trị để các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng.
Bên cạnh đó, không đầu tư BOT trên các tuyến đường độc đạo; thực hiện đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch; xác định chính xác tổng mức đầu tư, doanh thu, chi phí của doanh nghiệp đầu tư BOT; mở rộng thu phí tự động; tính toán mức phí, thời gian thu phí hợp lý, không tạo gánh nặng cho người dân; rà soát, điều chỉnh vị trí trạm thu phí hợp lý, khắc phục tình trạng lạm thu đối với người dân, đi một đoạn đường BOT phải trả phí cả tuyến. Đặc biệt, chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai những sai phạm.
* Xin cảm ơn ông!
TTXVN/Trần Trung (Thực hiện)
Tags