Theo đó, trên chuyến bay mang số hiệu QR604 của Hãng hàng không Qatar hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đêm 4/5, lực lượng Hải quan cửa khẩu đã phát hiện trong hành lý của hành khách nhập cảnh tên N.D.D, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam có mặt hàng nghi là hàng cấm.
Khi mở vali để kiểm tra, lực lượng Hải quan đã tìm thấy nhiều khúc sừng tê giác lớn nhỏ được bọc gói cẩn thận, ngụy trang kỹ trong lớp giấy bạc cất dưới đáy vali. Sau khi xác định toàn bộ số sừng này đều là sừng tê giác châu Phi với tổng trọng lượng nặng tới 7,28 kg, lực lượng Hải quan đã phối hợp với Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất lập biên bản phạm pháp quả tang, tạm giữ người và tang vật để bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ.
Cùng ngày, tại sân bay Nội Bài, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cũng đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển sừng tê giác trái phép trên cùng một chuyến bay, với tổng trọng lượng hơn 2kg.
Trước tin đồn rằng sừng tê giác có khả năng chữa nhiều bệnh, thậm chí với một số bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư khiến nhu cầu tìm mua của người dân tăng cao. Những năm gần đây, sừng tê giác đã được các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép quy thành cây, chỉ như vàng và bán với giá đắt hơn vàng 4 số 9. Buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác lãi hơn buôn bán ma túy, khi bị phát hiện, bắt giữ thì hình thức xử lý lại nhẹ hơn buôn ma túy nên càng kích thích nhiều đối tượng lao theo mặt hàng này với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thống kê của Cơ quan Quản lý thực thi Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2004 tới nay đã có 14 vụ buôn lậu sừng tê giác bị phát hiện và bắt giữ. Song thực tế, đây mới chỉ là bề nổi, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này vẫn âm thầm diễn ra trong bóng tối khi người dân còn coi đây là thần dược trị bá bệnh
Công an Nhân dân