Con người tránh tuyệt chủng 41.000 năm trước nhờ kem chống nắng

Thứ Năm, 17/04/2025 07:15 GMT+7

Google News

Cách đây 41.000 năm, Trái Đất đã trải qua một sự kiện bất thường: cực Bắc từ dịch chuyển về phía châu Âu, làm suy yếu lá chắn bảo vệ hành tinh chống lại bức xạ vũ trụ. 

Từ trường Trái Đất suy giảm còn 10% sức mạnh hiện tại, khiến cực quang xuất hiện trên bầu trời khắp châu Âu và bắc Phi. Đây cũng là thời điểm mà người Homo sapiens đã chứng tỏ khả năng thích nghi phi thường của mình.

Nghiên cứu mới từ Đại học Michigan cho thấy tổ tiên chúng ta đã sống sót qua giai đoạn khắc nghiệt này nhờ ba phát minh quan trọng: kem chống nắng tự nhiên, quần áo may đo và việc sử dụng hang động làm nơi trú ẩn.

"Chúng tôi đã tìm thấy nhiều khu vực nơi tia vũ trụ có thể xâm nhập xuống tận mặt đất, và đáng ngạc nhiên là những khu vực này trùng khớp với hoạt động của con người cổ đại," Agnit Mukhopadhyay, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Tại đây, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của việc sử dụng hang động và một loại "kem chống nắng thời tiền sử".

Con người tránh tuyệt chủng 41.000 năm trước nhờ kem chống nắng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Loại kem chống nắng này thực chất là ochre - một khoáng chất tự nhiên chứa oxit sắt, đất sét và silic. Người Homo sapiens không chỉ dùng nó để vẽ tranh trong hang động mà còn bôi lên cơ thể như một lớp bảo vệ. Các thử nghiệm hiện đại đã chứng minh ochre có khả năng chống nắng hiệu quả.

Cùng với đó, việc may quần áo vừa vặn với cơ thể cũng đóng vai trò quyết định. Tại các địa điểm khảo cổ, các nhà khoa học tìm thấy kim khâu và dùi - những công cụ chỉ xuất hiện ở nơi cư trú của người Homo sapiens. Giáo sư Raven Garvey giải thích: "Quần áo may đo không chỉ giữ ấm tốt hơn mà còn tình cờ bảo vệ họ khỏi bức xạ mặt trời. Điều này đặc biệt quan trọng vì bức xạ có thể gây ra nhiều tác hại, từ bệnh về mắt đến suy giảm folate - có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh."

Trong khi đó, người Neanderthal, dường như thiếu những công nghệ này, đã dần biến mất khoảng 40.000 năm trước. Sự khác biệt về công nghệ này có thể là một trong những lý do giải thích tại sao người Homo sapiens tồn tại và phát triển, trong khi người Neanderthal không thể vượt qua thử thách của thời đại.

Nghiên cứu này không chỉ hé lộ về quá khứ mà còn có ý nghĩa với hiện tại và tương lai. Mukhopadhyay cảnh báo rằng nếu một sự kiện tương tự xảy ra ngày nay, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: vệ tinh truyền thông ngừng hoạt động, mạng lưới viễn thông mặt đất bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, câu chuyện sống sót của tổ tiên chúng ta cũng mang đến một thông điệp đầy hy vọng. Nó cho thấy sự sống có thể tồn tại và phát triển ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, miễn là biết thích nghi và sáng tạo. Ông Mukhopadhyay nhận định: "Nhìn vào Trái Đất thời tiền sử giúp chúng ta hiểu rằng sự sống có thể tồn tại ngay cả khi không có từ trường mạnh bảo vệ. Nó có thể khác với ngày nay, nhưng vẫn tồn tại".

Thanh Tùng/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›