Nằm tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, làng Vòng từ lâu đã trở thành cái nôi của nghề làm cốm, một biểu tượng văn hóa gắn liền với mùa thu Hà Nội. Trong ký ức của người dân nơi đây, cốm làng Vòng không chỉ là một món ăn, mà còn là tinh hoa được truyền từ đời này qua đời khác, gìn giữ qua biết bao thăng trầm của lịch sử và thời gian. Tuy nhiên, theo lời của một người dân làng Vòng chia sẻ: "Ngày xưa, nhà nào cũng làm cốm. Ngày nay, họ xây lại nhà cho sinh viên thuê nên còn ít nhà làm cốm." Điều này cho thấy sự thay đổi trong cấu trúc làng nghề, khi cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, nhu cầu kinh tế cũng tác động không nhỏ đến nghề truyền thống.
Điều đặc biệt ở cốm làng Vòng là bí quyết rang cốm, vốn là di sản cha ông để lại. Cô Thảo cũng chia sẻ: "Nghề làm cốm là nghề gia truyền chỉ truyền lại cho đời con cháu. Khi ta làm, ta phải rang khéo để cốm dẻo và thơm. Rang quá lửa thì cốm sẽ bị khô, cứng; rang non lửa thì cốm sẽ dính, không rời được. Phải rang sao cho hạt cốm thơm, dẻo, ngon, ngọt." Đây chính là yếu tố quyết định sự khác biệt của cốm làng Vòng so với cốm của các vùng khác.
Dù công nghệ hiện đại đã len lỏi vào quy trình làm cốm, giúp cải thiện năng suất và giảm công sức lao động, nhưng các nghệ nhân vẫn giữ được hương vị truyền thống. "Ngày xưa thì nhà nào cũng phải giã bằng chân, rang bằng tay. Ngày nay phát triển hơn, sử dụng máy móc, có thể làm ra sản phẩm cốm dẻo hơn nhưng vẫn giữ được nguyên vị, không bị mai một. Có thể nói, cốm bây giờ giống hệt với cốm xưa" - Cô Thảo chia sẻ thêm
Ngoài sự kỳ công trong quy trình sản xuất, cốm làng Vòng còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Một năm có thời tiết thuận lợi sẽ mang lại những mẻ cốm ngon, dẻo, nhưng nếu thời tiết không thuận lợi, sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Cốm làng Vòng không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên mà còn là thành quả của sự kết tinh qua bao thế hệ. Hương vị cốm làng Vòng luôn giữ được sự tinh khiết, thanh tao, mang trong mình nét đẹp của mùa thu Hà Nội – một mùa thu gắn liền với ký ức và văn hóa của người dân thủ đô.
Mễ Trì, một làng cổ thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, từ lâu đã được biết đến như một trong hai làng nghề cốm nổi tiếng của thủ đô, bên cạnh làng Vòng. Nếu như làng Vòng nổi tiếng về cốm bởi sự tinh tế trong từng hạt cốm, thì làng Mễ Trì lại nổi danh bởi sự đậm đà và giản dị của nghề làm cốm truyền thống. Nhờ sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, cốm Mễ Trì ngày càng được biết đến rộng rãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo anh Sơn, chủ thương hiệu Cốm Phố Xưa, việc quảng bá qua mạng xã hội đã giúp sản phẩm cốm truyền thống đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Ngoài cốm tươi, cốm Mễ Trì còn nổi tiếng với các món ăn từ cốm như xôi cốm và bánh cốm. "Hiện tại là mùa thu Hà Nội nên xôi cốm là món được ưa chuộng nhất. Mỗi ngày chúng tôi bán từ 1 đến 2 tạ xôi" anh Sơn chia sẻ. Xôi cốm với màu xanh non, dẻo mềm và hương thơm nhẹ nhàng đã trở thành món ăn đặc sản mà ai cũng muốn thưởng thức khi đến Hà Nội vào mùa thu. Bánh cốm Mễ Trì, một món quà lưu niệm đậm chất Hà Nội, là lựa chọn hàng đầu của du khách khi muốn mang về làm quà biếu. "Món bánh cốm này đã có từ hơn 100 năm, và nó là thức quà số 1 của thủ đô. Món này bên Phố Xưa làm ít ngọt nên khách hàng rất ưa chuộng" anh Sơn nói thêm.
Làng Mễ Trì không chỉ gắn liền với các sản phẩm cốm truyền thống mà còn mang trong mình niềm tự hào khi từng đón tiếp nhiều vị khách quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016. Dù trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi của thời đại, cốm Mễ Trì vẫn giữ vững nét truyền thống, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây và một biểu tượng văn hóa không thể thiếu của Hà Nội.
Làng Lủ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, là một trong những làng nghề làm cốm có từ lâu đời nhưng ít được biết đến hơn so với làng Vòng và làng Mễ Trì. Cốm làng Lủ mang trong mình sự mộc mạc, giản dị, như chính con người và vùng đất nơi đây. Nghề làm cốm ở làng Lủ được truyền lại từ đời này sang đời khác, dù không nổi tiếng như những làng cốm khác, nhưng hạt cốm của làng vẫn luôn giữ được nét riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa của một Hà Nội xưa cũ.
Người dân làng Lủ chủ yếu làm cốm để phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong vùng, ít khi buôn bán ra ngoài. Tuy nhiên, những ai đã từng thưởng thức cốm làng Lủ đều không khỏi bất ngờ bởi hương vị đậm đà, giản dị nhưng vẫn tinh tế. Cốm làng Lủ được làm từ những hạt lúa nếp non, qua quy trình rang giã tương tự như làng Vòng, nhưng lại mang hương vị mộc mạc, không quá cầu kỳ, phù hợp với những ai yêu thích sự tự nhiên, gần gũi.
"NẮNG NGỎ LỜI YÊU KHIẾN CÚC VÀNG
Có một món ăn chân quê, qua văn thơ và ca nhạc, đã trở thành biểu tượng cho "Mùa Thu Hà Nội", đó là cốm Vòng. Không chỉ trên những tác phẩm lớn về ẩm thực Hà Nội như của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam và Bắc Sơn… cốm xanh bọc lá sen của làng Vòng đã được ngợi ca tha thiết, tình tự trong những câu ca dao, nhạc họa.
Trong trường ca Đất Nước, Nguyễn Đình Thi mở đầu với hình ảnh cốm đầy thân thương: "Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới." Cốm trong thơ Nguyễn Đình Thi không chỉ là món ăn, mà còn là hương vị đặc trưng của mùa thu, mang theo bao kỷ niệm của Hà Nội xưa. Đó là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa hương lúa non và làn gió thu man mác.
Trong âm nhạc, cốm cũng là chất liệu gợi nhớ mùa thu Hà Nội, đặc biệt là qua những bài hát như Nhớ mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn. Giọng hát Hồng Nhung vang lên: "Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua." Lời ca ấy nhấn mạnh sự gần gũi, dung dị của cốm - không chỉ là một món ăn mà là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Hà Nội mỗi độ thu về.
Từ những trang văn của Thạch Lam, Vũ Bằng, đến những câu thơ của Nguyễn Đình Thi, và lời ca của Trịnh Công Sơn, cốm Hà Nội hiện lên như một phần ký ức chung, một biểu tượng sống động của mùa thu và văn hóa Hà Nội. Hạt cốm xanh non không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là biểu tượng cho sự tinh khiết, thanh nhã, và sâu sắc của đất và người Thăng Long, mang theo hồn cốt của mùa thu và ký ức về một Hà Nội thanh lịch, tinh tế.
Nghề làm cốm không chỉ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thông thường, mà còn là di sản văn hóa, gắn bó sâu sắc với đời sống của người dân Hà Nội, đặc biệt là những làng nghề như Vòng và Mễ Trì. Hạt cốm – được mệnh danh là "hạt ngọc trời cho" – không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa của đất trời và tâm huyết của người làm nghề.
Làng Vòng, nơi mà cốm được vua ban tặng tên, luôn coi trọng việc giữ gìn truyền thống qua nhiều thế hệ. Tình yêu nghề không chỉ thể hiện qua từng công đoạn tỉ mỉ từ chọn lúa, rang cốm, giã cốm mà còn qua cách truyền đạt những bí quyết cha truyền con nối. Việc bảo tồn nghề cốm không đơn thuần là bảo tồn một sản phẩm, mà còn là duy trì một phần hồn cốt của văn hóa Hà Nội. Những người như cô Thảo không ngừng nỗ lực truyền lại cho con cháu những giá trị tinh túy, để nghề cốm tiếp tục được duy trì và phát triển, không để mất đi trong dòng chảy hiện đại hóa.
Nhìn về tương lai, những người trẻ như anh Sơn tin tưởng rằng nghề cốm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và công nghệ số. Điều này không chỉ là niềm hy vọng cho sự sống còn của nghề cốm, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của văn hóa khi được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh mới.
Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại chính là chìa khóa để giữ gìn và lan tỏa di sản cốm – một món quà không chỉ của mùa thu Hà Nội, mà còn là của thời gian, của văn hóa và lòng tự hào dân tộc. Những nỗ lực của cả thế hệ đi trước lẫn thế hệ trẻ hiện nay đã và đang góp phần bảo tồn, phát triển để hạt cốm luôn hiện diện trong trái tim của người dân và du khách, như một biểu tượng vĩnh cửu của thủ đô nghìn năm văn hiến.
Bảo Ngọc - Yến Nhi