Có một Phạm Bằng của sân khấu 'chính kịch'

Thứ Sáu, 04/11/2016 07:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 4/11, khán giả và giới nghệ thuật Hà Nội sẽ cùng vĩnh biệt NSƯT Phạm Bằng. Vài ngày trước, khi ông ra đi ở tuổi 85, báo giới và khán giả đã dành rất nhiều lời tiếc thương để nói về nghệ sĩ vốn rất quen thuộc qua những chương trình hài kịch.

Nhưng, như lời chia sẻ của những đồng nghiệp cũ, vẫn là chưa đủ, nếu khán giả chỉ nhắc về ông qua những vai diễn ấy. Bởi, trong rất nhiều năm của cuộc đời mình, Phạm Bằng từng có những vai diễn ấn tượng ở mảng chính kịch, trước khi "chuyên" về hài kịch trong những năm cuối đời.

"Tôi tiếc là khán giả trẻ chỉ biết tới ông qua Gặp nhau cuối tuần hay những chương trình hài" - NSND Tuấn Hải (Nhà hát kịch VN) nói. "Với chúng tôi, Phạm Bằng thuộc thế hệ đàn anh, với những dấu ấn đặc biệt trong chính kịch".

Phạm Bằng chỉ có 20 năm là diễn viên tại Nhà hát kịch VN, với bạn diễn là những tên tuổi như Thế Anh, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng, Đoàn Dũng, Bích Thu, Nguyệt Ánh... Vậy nhưng, diễn cùng những gương mặt ấy, ông vẫn được khán giả nhớ đến bởi những nét độc đáo riêng từ lối diễn thông minh và chuẩn mực. Những vai diễn trong Hoa anh túc, Câu chuyện tình yêu, Nghêu Sò Ốc Hến, Mớ đời thương... là minh chứng cho điều ấy.


NSƯT Phạm Bằng (trái) ở tuổi 45 trong vở chính kịch “Câu chuyện tình yêu” (năm 1976)

Đặc biệt, trong ê kíp làm nên thành công của Hồn Trương Ba, da hàng thịt vào giữa thập niên 1980, ít người quên được vai lý trưởng rất độc đáo của Phạm Bằng. Xuất hiện không nhiều, nhưng những gì thể hiện trên sân khấu cũng đủ mang về cho ông chiếc Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu 1986.

Ít người biết, trước khi nổi trội trên sân khấu hài ở tuổi ngoài 50, Phạm Bằng đã có những năm đầy vất vả với đời, với nghề. 4 đời gốc Hà Nội, gia đình của ông từng có một cuộc sống khá đầy đủ tại Hà Nội giai đoạn trước 1954.

Nhưng, sau thời kỳ cải tạo tư sản, với những khó khăn mà xã hội đưa lại, cậu sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính phải bỏ dở khi đang học năm thứ 2 để kiếm sống. Rồi khi tham gia Đoàn Văn công Hà Nội năm 1959, Phạm Bằng cũng đã từng có nhiều năm gần như không có cơ hội biểu diễn và đã từng có lúc chán nản muốn bỏ nghề...

Góc nhỏ gia đình tại 30 Hàng Giầy rộng hơn 40 mét vuông, cũng chỉ là một phần của lô nhà rộng gần 300 mét vuông mà gia đình ông từng sở hữu trước 1954. Sống giữa những ký ức cũ, với quán bánh trôi tàu trong gần 20 năm cuối đời để có thêm thu nhập, người ta hiểu rằng ông là một người Hà Nội điềm đạm và kiên nhẫn.

Lễ viếng NSƯT Phạm Bằng được tổ chức từ 12h30 đến 14 giờ ngày 4/11 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 14h cùng ngày. Điện táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.


Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›