Ông Berber, một bệnh nhân tiểu đường 62 tuổi, đã sống sót sau 187 giờ, tương đương 7 ngày, sau khi bị vùi dưới bức tường của căn hộ ở tầng trệt trong trận động đất. Điều may mắn là ông có một chai nước bên cạnh.
Yếu tố làm nên điều kỳ diệu
Ông Huseyin Berber đã sống sót một tuần sau khi trận động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ làm sập tòa nhà chung cư, khiến ông mắc kẹt trong một không gian chật hẹp.
"Tôi la hét, la hét và la hét. Không ai nghe thấy tôi. Tôi la hét nhiều đến mức cổ họng bị đau rát", ông kể lại.
May mắn là ông đã tìm thấy thuốc tiểu đường và một chai nước trên sàn nhà.
Sau một giờ mắc kẹt, ông lấy chai nước và uống. Khi chai nước hết, ông ấy đã uống nước tiểu của chính mình.
"Tôi đã tự cứu mình bằng cách đó", ông nói.
Mặc dù các bác sĩ nói rằng mọi người có thể tồn tại, ngay cả khi không có nước trong nhiều ngày nhưng khả năng sinh tồn của một người còn phụ thuộc vào vết thương, nhiệt độ bên ngoài... Vì vậy, sống sót sau 5 ngày là điều kỳ diệu, theo những người cứu hộ.
Stephen Morris, phó giáo sư khoa Cấp cứu, trường y khoa UW Medicine, Mỹ cho biết, yếu tố giúp con người sống sót được vài ngày, thường là do họ được tiếp cận với nguồn nước.
Một người có thể sống sót mà không có nước trong khoảng một tuần, nhưng ông Morris cho biết ở gần nguồn nước khi bị mắc kẹt là cơ hội sống sót tốt nhất, dù điều này phụ thuộc rất nhiều vào may mắn.
Một cậu bé 17 tuổi tên Muhammet Korkut nói với ABC News rằng cậu đã sống sót khi bị mắc kẹt trong 94 giờ nhờ uống nước tiểu của chính mình.
Tuy nhiên, Morris cho biết ông không khuyến khích làm điều này vì nó có thể làm mất nước.
"Điều này hầu như không được khuyến khích. Nó hoàn toàn có thể làm bạn mất nước nhanh hơn là không uống bất cứ thứ gì", phó Giáo sư khoa Cấp cứu nói.
Ông Morris cho biết nếu không có nước sạch nhưng có soda hoặc cà phê, người mắc kẹt có thể uống nếu thực sự cần, nhưng phải hiểu rằng chúng vẫn có thể khiến nạn nhân bị mất nước.
Thời tiết đóng một vai trò quan trọng
Tòa nhà 15 tầng mà ông Berber sinh sống đã bị sập khi trận động đất xảy ra.
"Trần nhà sập xuống, đổ xuống tủ lạnh, vì vậy may mắn không rơi xuống người tôi. Tôi lập tức khom người, ngồi xuống. Tôi bị mắc kẹt ở đó. Có một tấm thảm. Tôi lấy cái đó và đắp lên người…" ông Berber nói thêm.
Tấm thảm cũng là một sự may mắn nữa dành cho ông. Một điều có thể ảnh hưởng đến sự sống còn là thời tiết. Hiện tại, ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệt độ đang lạnh trái mùa.
Nhiệt độ vào ban đêm đã giảm xuống mức thấp nhất là 0 độ C, khiến những người bị mắc kẹt khó giữ ấm.
Phó Giáo sư Morris cho biết đây là một ví dụ khác về vai trò của may mắn đối với sự sống còn.
"Thời tiết khắc nghiệt cũng đóng một yếu tố quan trọng. Tình trạng hạ thân nhiệt sẽ diễn ra rất nhanh, trong điều kiện thời tiết lạnh, đặc biệt là khi mọi người không thể tìm được cách nào đó để giữ ấm", ông Morris giải thích.
Ký ức đáng sợ
Ông Berber, hiện giờ trên giường bệnh, xung quanh là những chiếc máy phát ra tiếng "bíp" đều đặn, cho biết ông nghĩ sẽ không có ai cứu mình.
"Tôi có thể cảm nhận được đội cứu hộ ở khá xa. Tôi vươn tay lên trần nhà nhưng không thể chạm vào", ông nói.
"Khi tôi đang dùng hết sức đập vào trần nhà thì thấy nó bị thủng, tôi nghe thấy một giọng nói, tôi hét lên. Rồi có người đưa tay ra và chạm vào tay tôi. Họ kéo tôi ra khỏi đó. Cái lỗ mà tôi chui ra rất nhỏ. Điều đó khiến tôi hơi sợ", người đàn ông 62 tuổi kể lại.
"Tôi không nhớ bất cứ điều gì sau khi họ kéo tôi ra", ông nói.
Caglar Aksoy Colak, bác sĩ tại Bệnh viện thành phố Mersin, cho biết ông Berber không bị gãy xương, hiện tình trạng chung là khá tốt.