Chuyện trả lời phỏng vấn giữa trận đấu ở US Open: Bước tiến hay sự phá hoại?

Chủ nhật, 06/09/2015 14:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - ESPN đã cố gắng làm một cái gì đó mới mẻ khi phóng viên phỏng vấn CoCo Vandeweghe giữa trận gặp Sloane Stephens thuộc vòng 1 US Open 2015.

Vandeweghe cho biết họ đã tiếp cận cô từ hôm Chủ Nhật để hỏi liệu cô sẽ thoải mái hay không nếu được phỏng vấn giữa trận. Và tay vợt người Mỹ đã nói có, dù cô biết rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi suy nghĩ sau đó.

Khi các tay vợt không vui

Vandeweghe đã giữ lời hứa. Cô đã trả lời 2 câu hỏi trên sân khi ra ghế nghỉ giữa các set đấu trong trận gặp đối thủ đồng hương Sloane Stephens. “Tôi nghĩ điều này tích cực thôi. Mọi thay đổi hướng tới cái mới đều tốt đẹp, không có hại gì cả”, Vandeweghe cho biết khi được phóng viên Pam Shriver hỏi liệu cô có thấy phiền hay không.

Thực ra, Vandeweghe còn chẳng nhớ nổi mình đã được hỏi gì và trả lời gì. “Tôi không tài nào nhớ được dù chỉ 1 chi tiết những gì tôi đã nói. Thực sự nghiêm túc đó. Tôi cũng không nhớ luôn cả những câu hỏi của cô ấy”. Rõ ràng tay vợt 23 tuổi này trả lời cho xong, hoặc cô quá tập trung vào chuyện diễn biến trên sân và những gì sẽ xảy ra tiếp sau đó để không thể để tâm vào việc phỏng vấn.

Tuy nhiên, những tay vợt kỳ cựu khác thì lại có suy nghĩ trái ngược. Họ không chỉ cho rằng đây là hành động quấy nhiễu mà còn cằn nhằn ESPN đã không làm mọi việc theo đúng phương thức thông thường. “Tôi không biết điều này sẽ có tác dụng gì cho quần vợt. Và tôi không cho rằng nó có lợi gì cả. Nhưng cũng chẳng ai biết tương lai bộ môn sẽ thay đổi ra sao”, Novak Djokovic chia sẻ quan điểm.

Roger Federer thì có vẻ thoải mái tư tưởng hơn, tuy nhiên anh cũng cho biết hiện tại anh không thích việc phỏng vấn giữa trận. “Ngày trước, ngay cả việc phóng viên xuống sân phỏng vấn tay vợt ngay sau trận đấu cũng không xảy ra. Nhưng rồi nó đã đến và dần dần mọi người đều thích nghi với nó. Tôi thấy ý tưởng này không tồi và hiểu vì sao người ta cần những cái mới. Nhưng đối với tôi, 17 năm qua tôi chưa từng làm điều này, nên tôi không cho rằng mình sẽ vui vẻ đồng ý vào thời điểm hiện tại”, tay vợt người Thụy Sĩ bộc bạch.

Cả anh và Rafael Nadal đều có vẻ vẻ khó chịu nhất về việc ESPN không tuân theo các quy định rõ ràng của ATP. “Họ cứ vào thẳng vấn đề và không báo trước. Đó không phải một cách hay”, Federer nói thêm.

Thực sự đến lúc thay đổi?

Mối quan hệ giữa thể thao và truyền hình giống như một cuộc hôn nhân hai mặt. Dù rằng mối quan hệ này trao cho môn thể thao những điều kiện mới để phát triển hình ảnh, nó cũng mang lại những hệ lụy đe dọa đến chất lượng của bộ môn.

Tác động của truyền hình là rõ ràng và tất cả chúng ta đều có thể thấy thể thao trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh bậc nhất toàn cầu, chủ yếu dựa vào sức mạnh của truyền hình. Khi các vệ tinh số mang sự kiện thể thao đến mọi địa điểm, từ nhà dân, ngân hàng, cửa hàng... cách xa hàng trăm dặm giúp cho hàng triệu người đều có thể cập nhật tin tức, đó là một điều rất tích cực.

Việc Vandeweghe trả lời phỏng vấn trên sân là thứ mà nhiều người hâm mộ rất cần ở các tay vợt họ yêu quý. Trong những khoảnh khắc quan trọng khi thi đấu, khán giả đều có khát khao muốn biết thần tượng của họ đang nghĩ gì. Tuy nhiên, họ đều có thể đợi đến cuối trận đấu bởi vì vận động viên chỉ có thể thi đấu tốt nhất nếu họ không bị phân tán, quấy rối.

Khi mà truyền thông “nhúng tay” quá sâu vào thể thao, nó sẽ làm bộ môn ấy mất đi tính bí ẩn vốn kích thích trí tò mò của người hâm mộ. Thể thao là nơi thi đấu, không phải một sân khấu biểu diễn như giới showbiz. Có những tay vợt chỉ đến sân, làm nhiệm vụ của mình như một người thợ, một người công nhân, không phải ai cũng có nhu cầu làm ngôi sao.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›