Chuyên nghiệp nửa vời

Thứ Năm, 22/10/2015 10:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Xin nói luôn, việc ra đời Cty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF, nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp QG) là một đòi hỏi khách quan về thời thế. VFF nhờ đó cũng rảnh việc hơn nhiều, để chuyên tâm chăm sóc nền bóng đá cũng như các ĐTQG.

Và, bước phát triển tiếp theo trong việc khu biệt các chức năng, nhiệm vụ, VFF phải cho ra đời một Cty trực thuộc để điều hành và khai thác thương hiệu ĐTQG, thay vì khoán cho "người ngoài", để rồi chỉ ăn phần trăm.

1. Bốn năm kể từ khi VPF ra đời, chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau rằng, họ đã rất nỗ lực làm việc và có những cải thiện, so với thời VFF còn chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cụ thể về khâu tổ chức và chế độ cho các phòng ban, bộ phận tham gia sản xuất chương trình (các giải đấu) khoa học hơn rất nhiều.

Lần đầu tiên công nghệ truyền hình trực tuyến YouTube (VPF YouTube) được trình làng và hiệu quả trong việc truyền dẫn phát sóng, đưa sản phẩm đến tận tay người hâm mộ. Đây không phải là phát kiến, mà là kết quả của một công cuộc cải tổ, được đề xuất từ thời của bầu Kiên. Nhưng 4 năm sau nó mới thành hình.

Việc bầu Kiên, lá cờ đầu của công cuộc cải cách các giải bóng đá chuyên nghiệp QG, vướng vào vòng lao lý có thể bị xem là một tai nạn với bóng đá Việt Nam. Cho đến khi VPF, một sản phẩm dị hoá và nhận được nhiều sự ủng hộ, lại đang bị đồng hoá bởi VFF, cơ quan và là tổ chức xã hội chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá, đấy cũng là điều không có trong tiên liệu. Và bản thân VPF cũng có những phân hoá, với rất nhiều nhân vật bị cho là ngồi nhầm ghế, vai phụ trở thành vai chính. Mâu thuẫn nổ ra nhưng không hẳn là động lực cho sự phát triển, mà nó đơn thuần chỉ là phục vụ lợi ích cá nhân.

Nhưng, VPF vẫn không ngừng nỗ lực để cải thiện. Chúng ta phải ghi nhận điều đó. Chỉ có điều...

2. Bóng đá vốn dĩ không tồn tại chữ nếu, nhưng luôn có chữ nhưng. VPF đã tỏ ra rất thiếu cá tính và quyết đoán trong việc đưa ra những phán quyết của cuộc chơi do chính mình tổ chức. Tình huống rõ nhất là họ không thể có những nhắc nhở hay cảnh báo nào, sau những tuyên bố thiếu cơ sở của bầu Đức về việc HAGL bị đánh hội đồng. Dù là phát biểu mang tính cá nhân, như ông Đức nói, thì nó cũng ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của giải đấu.

Chuyện của bầu Đức chỉ là một viện dẫn nhỏ cho thấy sự nhu nhược của nhà tổ chức. Ngay tại buổi tổng kết giải, ông Chủ tịch CLB Hải Phòng đã lớn tiếng đấu tố VPF, nhưng đáp lại là sự im lặng đến đáng sợ. Và về lý thuyết, dù VPF vẫn tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi báo chí định kỳ, nhưng hiếm khi nào giới truyền thông nhận được những lời giải thoả đáng.

Một Cty cổ phần với đầy đủ các phòng ban, cũng như sự hậu thuẫn, lại không thể lèo lái các giải đấu tốt dần lên theo tiêu chí ban đầu cũng như sự mong mỏi. Đấy là điều khiến chúng ta phải băn khoăn. Thậm chí ngay cả việc kêu gọi tài trợ các giải đấu, vẫn kiểu ăn đong từng nồi.

Một sản phẩm làm ra với rất nhiều sự kỳ công, lại khó bán, thì phải xem lại. Quyền lợi và nghĩa vụ dành cho các CLB cũng cần phải đạt đến độ hợp lý, để tránh điều tiếng. Đấy là chưa kể khán giả đang quay lưng và giới truyền thông cũng chán chường. Người ta không thể quảng bá một sản phẩm lỗi được, vì điều đó rất nguy hiểm.

Nói bóng đá Việt Nam từ thời VFF đến VPF lúc này vẫn chỉ là chuyên nghiệp nửa vời, có gì sai không nhỉ?!

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›