(Thethaovanhoa.vn) - 1. Hà Nội lại đang gồng mình huy động chống úng ngập. Cứ hễ mưa to vài giờ thể nào phố phường lại ngập trong nước.
Tôi nhớ nhất trận mưa lịch sử năm 2008 cả thành phố gần như bơi trong lũ. Vài trang mạng đưa hình ảnh chú rể bế cô dâu lội trong nước ngập quá đầu gối. Và cảnh người dân trèo lên mái nhà, lên sân thượng sinh hoạt. Người dân mang dụng cụ bắt cá ngay trên phố ngập nước. Thương quá những người đi xe bị chết máy phải dắt bộ lội nước mà đi.
Nhưng thương nhất là đội quân chống ngập của công ty thoát nước. Họ lăn mình trong gió mưa, ngụp lặn trong nước bẩn để thông cống. Có những đội xe bồn sẵn sàng túc trực tại các trọng điểm úng ngập hút nước từ cống ngập đem đi xả…
Có phải Hà Nội là thành phố nơi chỗ trũng? Không. Xưa Lý Thái Tổ định đô nơi đắc địa nhất, ấy là thế đất tựa núi nhìn sông không lo úng ngập. Vả lại sống giữa bốn bề sông hồ, Thăng Long xưa đâu có lo bị ngập.
Cái nạn ngập nước ở Hà Nội, phải bắt đầu từ hạ tầng kỹ thuật. Cống rãnh trong thành phố đa phần có từ thời Pháp. Tất nhiên là đáp ứng cho thành phố lúc mới trên dưới 1 triệu dân. Bây giờ nội thành đã 4 triệu người, mức độ sử dụng nước tăng lên và nước thải thành phố lúc bình thường đã quá tải hạ tầng.
Và như vậy, thêm lượng mưa vừa phải đã thấy nước duềnh lên gây úng ngập. Còn nhớ trong câu chuyện vượt ngục Hỏa Lò của các chiến sĩ cách mạng năm nào, thấy đường ống nước thải lúc đó đã rất hoành tráng.
Họ trèo tường chui xuống cống ngầm và đi dọc lòng cống ra ngoài. Bây giờ hạ tầng cũng đã được nâng cấp nhiều lần vậy tại sao vẫn úng ngập?
Theo các nhà quản lý môi trường, nạn úng ngập là do hạ tầng không đồng bộ, chắp vá và cũ kỹ. Nguyên nhân quan trọng nữa là từ… người dân thành phố. Họ xả rác bừa bãi ra đường, mưa là tất cả trôi lấp cống, họ đổ chất thải, đất đá ra cống. Và đặc biệt, cát xây dựng từ các công trình nhà ở trên khắp thành phố theo nước mưa chảy xuống lấp đầy cống rãnh.
2. Hàng ngày công ty thoát nước tiến hành nạo vét cống thải đã múc lên hàng đống cát đổ đầy xe ô tô chuyên dụng mà vẫn không thông được cống. Tình trạng lấn sông ngòi lấp sông xây nhà phổ biến khiến nhiều dòng sông và con kênh biến mất…
Dòng sông chảy dọc phố Thanh Nhàn mới đây còn rất rộng và ô nhiễm nay bỗng dưng biến mất. Chỉ còn lại con đường mới mở rộng hai làn xe. Hay như mương nước từ khu Vĩnh Phúc băng qua phố Liễu Giai chảy ra sông Tô Lịch đã bị cống hóa làm nơi xây công trình nhà cửa…
Tất cả những nguyên nhân bắt nguồn chính từ ý thức cộng đồng, từ việc thiếu quy hoạch giữ lại hệ thống sông ngòi nội thành, dến việc lấn chiếm, đổ thải ra các con mương vốn chảy hàng trăm năm, đón nước mưa từ khắp thành phố…
Không còn sông ngòi cho nước chảy, thì mưa ngập là chuyện của… trời. Sau bao nhiêu nỗ lực của thành phố để chống úng ngập, nhưng đường vẫn thành sông sau những trận mưa. Đó là sự thật.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, tính trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn trên 20 điểm thuộc địa bàn 12 quận và huyện Thanh Trì có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn với lưu lượng từ 50 - 200mm/2 giờ. Nếu lượng mưa lớn trên 150mm/h, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập…
Để Hà Nội không bị ngập lụt,nên chăng hãy dừng lại các dự án lấp sông, hay “cống hóa” các dòng sông, mương máng nội thành. Hãy đầu tư cải tạo hạ tầng và làm thật cơ bản để vài chục năm sau phố phường không ngập lội khi đến mùa lắm những cơn mưa…
Rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng mùa mưa nào cũng lắm những bi hài phố ngập. Có lẽ giải pháp đầu tiên, trên hết là ý thức tự giác của con người. Và sau đó là việc thi hành luật lệ về môi trường. Và vấn đề quy hoạch lại phố phường sao cho khoa học…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Tags