Chuyên gia khuyến cáo biện pháp ứng phó biến thể SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí

Chủ nhật, 30/05/2021 15:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều chuyên gia y tế và thực tế diễn biến dịch đã khẳng định, các biến thể của virus SARS-CoV-2, như biến thể Anh và biến thể Ấn Độ, lây truyền qua không khí. Khoảng cách lây truyền đã vượt qua lằn ranh 2 mét và qua báo cáo đã có trường hợp lây với khoảng cách 10 mét. Vậy mỗi người cần phải làm gì để phòng dịch.

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 30/5: TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 30/5: TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố

Trong cuộc họp khẩn sáng ngày 30/5, Ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) thì phong tỏa toàn bộ trong vòng 15 ngày theo chỉ thị 16.

TS.BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên – Huế cho biết, nghiên cứu và thực tiễn cũng cho thấy biến thể mới có khả năng lây qua không khí mạnh trong môi trường kín, bật điều hòa.

Chỉ 36 giờ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, một người đã có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm.

Đến nay, thực hiện 5K và tiêm vaccine phòng COVID vẫn là chiến lược tối ưu được nhiều nước khuyến cáo. Thông điệp này đã đến người dân trong cộng đồng của nhiều quốc gia giúp phòng chống dịch COVID có hiệu quả.

Nhưng kể từ sau khi phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhiều giải pháp hỗ trợ được khuyến cáo để tăng thêm tính hiệu quả phòng chống dịch, trong đó được quan tâm là tăng cường mở cửa, thông thoáng nơi ở và sinh hoạt của mỗi cá nhân.

Chú thích ảnh
Vệ sinh nhà cửa hằng ngày loại bỏ nơi ẩn náu của virus

Nhiều nghiên cứu đã kết luận môi trường thông thoáng và nắng nóng từ ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm mạnh khả năng hoạt động và giảm nguy cơ lan tràn lây nhiễm của hầu hết các chủng virus gây bệnh đường hô hấp.

Có thể nói: “Mở cửa thông thoáng nơi ở và ánh nắng mặt trời là một trong những khắc tinh của virus gây bệnh hô hấp”. Vậy chúng ta phải hành động gì ngay bây giờ để hạn chế môi trường trú ngụ và giảm mật độ của virus trong không khí nơi ở và sinh hoạt, nhằm tránh lây nhiễm các chủng virus hô hấp cho chính bạn và gia đình bạn.  

Giữ mọi thứ có tổ chức, gọn gàng và vệ sinh nhà cửa hàng ngày

Đối với những vật dụng xung quanh bạn trong nhà hay phòng riêng, phải sắp xếp một cách gọn gàng và khoa học. Hút bụi, làm sạch bề mặt nhà cửa, đồ đạc, các tay nắm, tay vịn... nhất là các ngóc ngách và gầm tủ, giường dễ bỏ sót. Loại bỏ bụi bẩn và đồ đạc không dùng đến để dễ dàng cho việc lau chùi và dọn vệ sinh hàng ngày. Càng làm tốt việc này, bạn càng loại bỏ nơi ẩn náu của virus.

Chú thích ảnh
Mở cửa giúp nhà thông thoáng, từ đó giảm nhanh mật độ virus trong không khí.

Làm thông thoáng nhà cửa, đón nhận ánh sáng mặt trời

Mở cửa giúp nhà thông thoáng, tạo nhiều dòng không khí đối lưu liên tục, từ đó giảm nhanh mật độ virus trong không khí, nhất là khi trong nhà bạn có người đang mắc các bệnh liên quan nhiễm virus hô hấp như cảm lạnh, cúm... dễ gây lan tràn virus trong không khí khi ho và hắt hơi. Khi ánh nắng mặt trời tràn vào nhà bạn, không khí sẽ ấm nóng lên một cách tự nhiên, tạo ra một môi trường có nhiệt độ cao không thích hợp cho sự sinh trưởng của các chủng virus gây bệnh đường hô hấp.

Đặc tính chung cho các virus gây bệnh hô hấp thích sống ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thích hợp nhất là dưới 25 độ C như môi trường có máy điều hòa đang hoạt động. Trong môi trường vừa có nắng, vừa ở nhiệt độ cao từ 30 độ C trở lên thì virus gây bệnh hô hấp chỉ có thể tồn tại thời gian ngắn và sẽ bị tiêu diệt, giúp giảm khả năng phát tán và sự lây nhiễm giảm đi nhiều lần.

Không chỉ giúp diện virus, ánh nắng mặt trời còn đem lại nhiều lợi ích cho con người.

Chú thích ảnh
Ánh nắng mặt trời – “khắc tinh” của virus gây bệnh đường hô hấp

Cụ thể, ánh nắng mặt trời còn giúp kéo dài tuổi thọ. Nghiên cứu tiến hành trên 30.000 phụ nữ Thụy Điển, theo dõi kéo dài hơn 20 năm cho thấy tuổi thọ của những người ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ngắn hơn 2,1 năm so với người dành nhiều thời gian ở ngoài trời. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Nên có các biện pháp để bảo vệ da như mang áo quần che nắng, kính che mắt và thoa kem chống nắng.

Ánh nắng mặt trời có khả năng giúp cơ thể tiết ra beta-endorphin giúp cải thiện tâm trạng và cảm thấy vui phấn chấn hơn. Ánh nắng mặt trời giúp tăng cường nồng độ serotonin - là một hormone hạnh phúc tự nhiên của cơ thể. Người ta thường có xu hướng cảm thấy hạnh phúc và nhiều năng lượng hơn khi sống trong những ngày mặt trời chiếu sáng. Ngoài ra, tiếp xúc và vận động dưới ánh sáng mặt trời có thể giúp ngăn ngừa chứng trầm cảm.

Một nghiên cứu của Đại học Colorado-Boulder, Hoa Kỳ, phát hiện ánh sáng tự nhiên từ ánh nắng mặt trời có thể giúp điều chỉnh nhịp sinh học và điều chỉnh chu kỳ thức ngủ của cơ thể. Khi cơ thể tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời, chu kỳ giấc ngủ sẽ điều chỉnh chặt chẽ hơn và ngủ ngon sâu giấc hơn.

Ánh sáng mặt trời còn giúp cơ thể sản xuất đầy đủ vitamin D. Thiếu vitamin D có liên quan đến nhiều vấn đề sức khoẻ như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, lão hóa và nguy cơ tử vong chung. Ánh sáng mặt trời vẫn là nguồn vitamin D tự nhiên dồi dào nhất. Chỉ cần hai bàn tay và khuôn mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút mỗi ngày có thể cung cấp cho bạn 3.000 đến 5.000 IU vitamin D.

Theo Báo Chính phủ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›