Đúng 1 tháng nữa, trái bóng V-League 2024/2025 sẽ được lăn đi trên khắp sân cỏ cả nước. Tuy vậy, nhìn vào những chuyển động trước thềm mùa giải mới đã dấy lên nhiều nỗi lo.
Trong câu chuyện cuối tuần cùng Thể thao & Văn hóa, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã bộc bạch những cảm nhận của mình khi mùa giải mới cận kề: "Sau hơn 8 tháng ròng rã, V-League 2023/2024 đã khép lại với không ít những ưu tư của một mùa giải quá nhiều vấn đề nhưng lại ít điểm nhấn. Sắp bước vào mùa giải mới nhưng những nỗi lo đó vẫn còn canh cánh ở nhiều đội bóng. Chuyện CLB Thanh Hóa xin không dự cúp châu Á cho đến việc Khánh Hòa nhận án phạt từ FIFA hay giải hạng Nhất "nín thở" chờ động tĩnh từ nhiều đội bóng đã thêm một lần lộ ra những hạn chế cố hữu mà bóng đá nước nhà đang đối mặt.
Nhìn lại mùa giải cũ, với chính sách "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" Nam Định đã lên ngôi vô địch sau rất nhiều năm chờ đợi. Tuy vậy, với V-League để có thành tích theo kiểu "đi tắt đón đầu", đầu tư ồ ạt vào mua sắm lực lượng không phải là giải pháp căn cơ, hiệu quả. Trường hợp Thanh Hóa trước đây, rồi Hải Phòng, Bình Định… đều không đem lại kết quả quan trọng nhất. Nam Định cũng thế nếu họ muốn giữ được thành tích ở tương lai.
V-League 2024/2025 tiếp tục chỉ sau 2 tháng so với thời điểm kết thúc mùa giải 2023/2024 và cũng được tiến hành theo thể thức bắt đầu từ mùa Thu năm trước và kết thúc vào mùa Hè năm sau. Điều này đồng nghĩa với thử thách rất lớn cả về công tác tổ chức lẫn sự chuẩn bị của các CLB. Thị trường chuyển nhượng vì thế đã sôi động thời gian qua và có thể là cả những thay đổi bất ngờ trong thời gian đến. Bản thân VPF cũng cần chủ động mọi phương án ứng biến và nâng tầm công tác tổ chức, điều hành.
Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường chuyển nhượng một số CLB sốt sắng với những thương vụ, hợp đồng mới trong khi nhiều đội bóng khác vẫn "án binh", thậm chí tranh thủ thanh lý hàng loạt hợp đồng ngay sau khi mùa giải kết thúc để giảm gánh nặng chi phí như cách Bình Định đã làm. Thực tế, V-League không có nhiều CLB với tiềm lực tài chính ổn định để có thể chủ động tham gia thị trường chuyển nhượng, tìm kiếm các hợp đồng mới nhằm bổ sung lực lượng, hầu hết các đội bóng vẫn phải chạy tài trợ từng mùa, thậm chí "chạy cơm từng bữa".
Mùa giải vừa rồi Khánh Hòa lao đao, còn cho đến lúc này có đến 5 CLB hạng Nhất chưa biết có dự mùa giải mới hay không? Cũng chưa biết chừng, V-League 2024/2025 đang đá, lại có đội "giơ tay" xin nghỉ vì hết tiền hay cầu thủ đình công vì nợ lương, nợ thưởng, nợ lót tay".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng sau quãng thời gian thành công, bóng đá nước nhà đã đối diện với những "đứt gãy" trên nhiều phương diện ở chu kỳ mới: "Vì thế, rất cần một V-League được vận hành với cách làm bóng đá "thật" ở mỗi CLB. Từ câu chuyện vung tiền mua "sao" của Nam Định hay thiếu tiền, nợ lương, cắt thưởng ở Khánh Hòa để cầu thủ liên miên "đình công" mới thấy đã đến lúc các đội bóng phải xây dựng giá trị thật cho mình. Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cần xây dựng hướng đi mới hơn, dựa trên nền tảng kinh tế vững mạnh, công tác đào tạo trẻ phải bền bỉ.
Chăm bẵm cái gốc từ đào tạo trẻ cần được cổ xúy bởi như thế các đội bóng sẽ luôn tồn tại, dù trước mắt có thể không đạt thành tích cao. Phải vận động tài trợ tốt; xây dựng được lực lượng khán giả hùng hậu và chuyên nghiệp.
Muốn thế, giá trị thật, bản sắc cùng thương hiệu của đội bóng phải được tạo dựng căn cơ, vững vàng. Bản sắc không thể có ngay ngày một ngày hai mà cần được tích lũy, vun đắp. Đã có nhiều cái tên lẫy lừng của bóng đá Việt đã biến mất khi họ đánh mất bản sắc vốn là thứ quý giá nhất mà nhiều địa phương đã nhọc công gầy dựng cho đội bóng mình suốt chiều dài lịch sử. Chỉ khi CLB tạo dựng được bản sắc mới nghĩ đến việc phát triển vững mạnh.
Tóm lại, tất cả dứt khoát phải thay đổi sâu sắc hơn về tư duy và hành động. Thay đổi để không chỉ nâng tầm giải đấu, còn đáp ứng yêu cầu phát triển của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Bởi, V-League chính là bệ phóng của các cấp độ đội tuyển Việt Nam".
Tags