(Thethaovanhoa.vn) - “Rõ ràng trong thời gian qua bóng đá nước nhà đã gặt hái được những thành công nhất định. Chúng ta vẫn nói vui với nhau rằng bây giờ nền bóng đá của ta có được cây bút chì cứ càng gọt càng sắc để sử dụng hiệu quả. Vấn đề quan trọng ở chỗ làm sao để cây bút chì đó luôn được đậm màu, luôn sắc lẹm như thế”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương bắt đầu câu chuyện với rất nhiều gợi mở đầy tâm huyết, trách nhiệm.
Xét cho cùng muốn bóng đá phát triển thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò cốt lõi, tiên quyết. Chúng ta không chỉ trông chờ vào lứa cầu thủ hôm nay, không chỉ giao phó trách nhiệm cho mỗi mình ông Park, lại càng không thể cứ khát khao khi chỉ hô hào suông được. Phải thật bình tâm, thực tế để nhìn lại mình đã có gì, đang thiếu gì, cần thêm điều gì để tổng hòa mọi thứ trên hành trình đó.
“Như tôi đã nói ở trên, con người vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Con người ở đây chính là các thế hệ cầu thủ chất lượng được tạo ra có tính kế thừa, lớp lang. Muốn thế, không gì khác hơn ngoài việc xắn tay vào chăm lo cho công tác đào tạo trẻ. Khách quan đánh giá, những điều đã có được thời gian qua là kết tinh cả quá trình tích lũy, sản sinh ra được lứa cầu thủ hôm nay từ các trung tâm, các địa phương, các CLB. Thực tế cũng đã có những định hướng, những đầu tư trọng điểm cùng các giải pháp quyết liệt để hình thành nên cái nền tương đối căn cơ đó”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận.
Theo ông Xương, công tác đào tạo trẻ hiện nay đang đi tương đối đúng hướng. Có thể thấy rằng hiện nay nhiều CLB, trung tâm đào tạo đã có sự thay đổi về phương thức đào tạo theo chương trình của bóng đá hiện đại, mức độ đầu tư dành cho tuyến trẻ cũng có cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong những năm qua, về phía VFF cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo HLV từ cơ bản cho đến nâng cao nhằm giúp các CLB tiếp cận với phương pháp huấn luyện hiện đại.
Đó là những cái tốt chúng ta đang làm được nhưng để thật sư căn cơ và hiệu quả hơn còn cần nhiều yếu tố nữa. Mô hình chúng ta đã có nhưng mỗi mô hình là khác nhau trong phương thức. Vấn đề ở đây là sự hợp lý, thống nhất, khoa học. Hợp lý ở độ tuổi đào tạo, ở phương pháp đào tạo và cả ở chế độ dinh dưỡng cùng những yếu tổ bổ trợ liên quan. Chất lượng đầu vào thế nào, đầu ra đến đâu? Cứ tạm coi thế hệ cầu thủ mà chúng ta đang có tiếp cận được trình độ châu lục thì những thế hệ tiếp theo trong quá trình đào tạo sau này sẽ thích ứng và tiệm cận ở đẳng cấp nào, mức độ nào.
Đào tạo trẻ hãy bắt nguồn từ việc chắt lọc những mầm non có tố chất thật sự thông qua bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Để từ đó, công tác tuyển chọn sẽ tìm kiếm được những tài năng thật sự cho đầu vào. Hơn thế, cần cả những cơ chế, chính sách từ Chính phủ cho một chiến lược cụ thể. Chính chiến lược này như kim chỉ nam để kết nối, cộng hưởng và dẫn đường cho các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp cùng chung tay một cách thống nhất. Cùng với đó việc hoạch định chiến lược tổng thể; định hướng, xây dựng mô hình đào tạo một cách thống nhất, bài bản.
“Thêm vấn đề nữa, ngoài việc ăn học, tập luyện thì các cầu thủ trẻ cần được cọ xát, trui rèn qua rất nhiều giải đấu để sàng lọc và phát triển. Bởi đơn giản một điều “ngọc bất trác bất thành khí”. Chuyên gia Đoàn Minh Xương chốt lại câu chuyện như thế.
Trần Tuấn (ghi)
Tags