Chuyện của thi sĩ từng "in lậu" thơ mình

Thứ Năm, 24/09/2015 13:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn)- Sáng 24/9, tại Nhà sách Phương Nam Vincom TP.HCM, Hoàng Thoại Châu đã có buổi ra mắt tự truyện Sâu thẳm buồn vui do Phương Nam book và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Như ông nói, đây là bản tự kiểm đầy đủ nhất của cuộc đời ông về những tháng năm đã sống, đã làm nghề và vượt qua tù đày trước 1975 tại Côn Đảo.

Hoàng Thoại Châu, tên thật Huỳnh Tuyên, sinh năm 1942 tại Điện Bàn, Quảng Nam nhưng vì nhiều lý do nên giấy chứng minh nhân dân ghi ông sinh năm 1947. Để trốn bị chính quyền chế độ cũ bắt lính, Hoàng Thoại Châu đã vào Sài Gòn tá túc trong chùa.

Nhà báo, thi sĩ Hoàng Thoại Châu từng "in lậu" thơ mình vào năm 1969

Thời gian ở chùa khoác áo tu sĩ với pháp danh Minh Ngọc, ông sáng tác nhiều thơ. Tập Tình biển nghĩa sông được ông đi xin giấy phép nhưng bị nha kiểm duyệt của chế độ Sài Gòn từ chối. Đây là tập thơ kêu gọi hòa bình và phản chiến dưới góc nhìn nhân ái của đạo Phật.

Tình biển nghĩa sông không in được, cùng lúc đó Hoàng Thoại Châu có thêm tin buồn khi người yêu ở quê đi lấy chồng. Ông đã tập hợp xin giấy phép in tập thơ Áo trắng ngày xưa vào năm 1968 với số lượng 200 cuốn để gửi về quê tặng người yêu cũ. 

Tự truyện Sâu thẳm buồn vui của một người làm báo

Sau khi in Áo trắng ngày xưa, Hoàng Thoại Châu đã lấy giấy phép tập thơ này và thêm vào chữ “bis” phía sau, để in Tình biển nghĩa sông vào cuối năm 1969. Tình biển nghĩa sông ra đời nhờ sự giúp đỡ in ấn của Thượng tọa Thông Bửu. Hiểu đúng hơn, Hoàng Thoại Châu đã “in lậu” tập thơ này và “qua mặt” Nha kiểm duyệt Sài Gòn.

Tình biển nghĩa sông in xong khi còn hai ngày nữa giải thưởng văn học nghệ thuật 1967 - 1969 lần thứ Nhất của chính quyền Sài Gòn hết hạn nhận tác phẩm dự thi. Được sự khích lệ của Thượng tọa Thông Bửu, Hoàng Thoại Châu đã gửi Tình biển nghĩa sông dự thi trong nỗi lo bị phát hiện không có giấy phép.

Kết quả không ngờ tập thơ “in lậu” này đã nhận giải Nhất của cuộc thi này. Hơn thế, trong Tình biển nghĩa sông còn có bài thơ viết về Bác Hồ khi tác giả hay tin Người qua đời. Bài Mặt trời ngủ yên của Hoàng Thoại Châu in trong Tình biển nghĩa sông ở trang 70, như sau: "Vũ trụ chuyển mình/ Địa cầu rung động/ Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/ Bây giờ/ Ba-chín-sáu-chín/ Mặt trời ngủ yên"

Bạn đọc, bạn bè đến chia vui với thi sĩ Hoàng Thoại Châu

Hoàng Thoại Châu, kể: “Khoảng ngày 5 hay 6/9/1969, trên đường đến nhà in thì được một đạo hữu thông báo Bác Hồ đã mất rồi. Bài thơ Mặt trời ngủ yên ra đời sau khi tôi nhận tin báo này và là bài thơ cuối cùng được bổ sung vào tập Tình biển nghĩa sông”.

Dù được chính quyền Sài Gòn trao giải Nhất thơ cho tác phẩm của mình, nhưng Hoàng Thoại Châu cũng bị chính quyền ấy bắt đày ra Côn Đảo đến tháng 5/1975 mới về lại đất liền. Sau 1975, Hoàng Thoại Châu là một trong nhiều người chứng kiến sự ra đời của báo Tuổi trẻ. Ông bén duyên nghề báo từ đây và nổi danh với bút hiệu Ba Thợ Tiện trên báo Lao động.

Ngoài ra, ông còn tham gia vào Nhóm thứ sáu góp phần cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra các quyết định quan trọng của công cuộc đổi mới kinh tế đất nước từ 1986.

Nghề báo cũng như cuộc đời Hoàng Thoại Châu có những Sâu thẳm buồn vui. Đọc cuốn sách này cho ta một lý giải: sống cống hiến sẽ đem lại những niềm vui giản dị cho cuộc đời mỗi cá nhân. Tập sách hơn 300 trang này còn là dịp để bạn đọc thấy lại những người mẹ miền Trung tảo tần, các vị cao tăng của Phật giáo Sài Gòn, số phận của những con người Việt Nam bình dị trong bối cảnh loạn lạc chiến tranh.

Trạc Tuyền

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›