Chuyện buồn ở nghĩa trang cá voi lớn nhất miền Trung

Thứ Bảy, 15/02/2014 10:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tôn thờ loài cá Voi như những vị thần, người dân làng chài Thuận An (xã đảo Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) dành riêng một dải đất mênh mông để loài cá này an nghỉ, biến nơi đây trở thành nơi an nghỉ lớn nhất miền Trung của loài cá Voi.

Nghĩa trang cá Voi Thuận An đã được công nhận danh hiệu di tích văn hóa cấp tỉnh từ năm 2009.

Huyền tích

Trong đời sống tâm linh của người dân làng chài Thuận An, từ xa xưa cá Voi đã trở thành vị thần linh thiêng. Đó là loài cá giúp người dân vươn khơi những lúc gặp hoạn nạn, sóng to gió lớn giữa đại dương. Theo các vị cao niên trong ngôi làng này, cá Voi đã đi vào truyền thuyết, huyền tích và được người dân Thuận An truyền tụng từ đời này qua đời khác.

Bãi biển Thuận An, Tam Hải, nơi loài cá Voi vẫn hay dạt vào

“Đó là câu chuyện có từ đời nhà Nguyễn, khi vua Gia Long cùng đạo quân của mình thua trận, đành phải tháo chạy ra biển để thoát thân. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đến vùng biển Thuận An nguồn nước ngọt dự trữ cạn kiệt, nhà vua và quân lính sắp kiệt sức. Chẳng biết làm thế nào nữa, vua Gia Long đành ngước mắt lên trời cầu xin sự giúp đỡ của thần Long Hải.

Ngay sau lời cầu xin khẩn thiết của nhà vua, thật kỳ diệu khi có một đàn cá Voi vây quanh chiến thuyền phun nước ngọt giúp vua Gia Long và đạo quân có nước để tiếp tục sinh tồn. Được loài cá Voi giúp đỡ nhà vua cảm kích, tự thề trước ba quân, trời đất, qua cơn kiếp nạn sẽ lập đền thờ, hàng năm cúng lễ linh đình cho thần cá.

Giữ lời thề, sau khi thoát nạn trở về kinh đô Huế, vua Gia Long lập tức ra lệnh lập đền thờ cá Voi tại làng biển Thuận An, Tam Hải, đồng thời cứ vào dịp rằm tháng giêng hàng năm lại tổ chức cúng lễ linh đình để tạ ơn thần cá Voi. Cũng chính từ đó lễ hội cá Voi ở Thuận An, Tam Hải được hình thành, gìn giữ cho đến ngày hôm nay”. Cụ Trịnh Hiền (80 tuổi), cả đời gắn bó với nghề vươn khơi xa kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

Theo cụ Hiền và người dân Thuận An vẫn thường răn dạy con cháu, cá Voi là vị thần của những người đi biển, vì thế phải luôn giữ lòng thành kín với loài cá này. Và mỗi lần cá Voi lụy bờ, người dân nơi đây tổ chức nghi lễ an táng theo phong tục địa phương như với một con người.

Dường như giữa người dân làng chài Thuận An và loài cá Voi tồn tại sợi dây giao cảm, chẳng thế mà loài cá này thường chọn bờ biển Thuận An để an nghỉ.   

Không biết vị thần cá đầu tiên lụy bờ biển Thuận An và được người dân nơi đây an táng từ bao giờ, nhưng với số lượng hàng trăm ngôi mộ cá Voi được chôn cất tại khu nghĩa trang này, nơi đây được xem là nơi an nghỉ lớn nhất miền Trung của loài cá Voi.

Thăm mộ cá voi

Với quy mô và sự đặc biệt của khu nghĩa trang giành cho loài cá, năm 2009 UBDN tỉnh Quảng Nam đã quyết định công nhận nghĩa trang cá Voi Thuận An, Tam Hải là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đi dọc bờ biển Thuận An theo hướng tây, ẩn sau hàng dương chắn sóng là khu nghĩa trang giành để chôn cất hài cốt loài cá Voi. Rẽ trái khoảng 100m, chúng tôi đã đến tận nơi để “mục sở thị” những ngôi mộ khổng lồ được nghe kể lâu nay.

Di tích lịch sử - văn hóa nghĩa trang cá Voi Tam Hải giống như một bãi hoang

Choáng ngợp với hàng trăm ngôi mộ cá Voi được người dân chôn cất tập trung theo hàng lối ngay ngắn. Song nhìn quang cảnh nơi đây chúng tôi thật sự thất vọng vì nó giống một bãi hoang hơn là một khu nghĩa trang được cấp bằng di tích văn hóa cấp tỉnh.

Không tường rào vây quanh, khu nghĩa trang um tùm cỏ dại. Những ngôi mộ cá voi trầm mặc giữa mưa nắng, ngổn ngang dãy đá cuội được dùng làm thay bia mộ. Đã vậy, khoảng 2 năm trở lại đây diện tích nghĩa trang còn bị thu hẹp bởi những hồ tôm thẻ chân trắng mộc lên ngay phía trước. Con đường lớn dẫn vào nghĩa trang cũng bị xâm lấn, việc đưa thi thể cá Voi vào an táng trở nên khó khăn. Ngoài ra, việc những hồ tôm này xả nước thải gây mùi hôi thối, ô nhiễm càng làm cho người dân qua lại thăm nom khu nghĩa trang ngày càng thưa dần.

“Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng phía trước đã bịt đường vào khu nghĩa trang, tất nhiên, nếu cá Voi lụy bờ, việc chôn cốt cũng sẽ không dễ dàng như ngày trước. Ngoài ra, những hồ tôm này xả nước thải ra môi trường tự nhiên gây hôi thối, lại thêm nạn chặt phá rừng phi lao khiến người dân hết sức bức xúc.

Có bãi biển đẹp nhưng không thể tắm vì nước biển bây giờ không còn sạch lại gây ngứa. Lễ hội nghinh thần cá Voi (20 âm lịch hàng năm) năm nay sắp diễn ra, nhưng có lẽ nó sẽ không thể tiến hành quy cũ như trước”. Ông Nguyễn Tam Văn, cán bộ văn hóa - xã hội xã Tam Hải cho biết.

Đăng Khoa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›