Sáng 28/12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức thông tin tới báo chí về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì chương trình.
Tại chương trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng thông tin, chương trình Xuân Quê hương là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2023 nhằm kết nối kiều bào với trong nước, là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.
Năm nay, chương trình dự kiến tổ chức vào ngày 14/1 (tức ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm Nhâm Dần), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó có 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, đại dịch đã được kiểm soát, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đã ổn định trở lại.
Trong điều kiện thuận lợi đó, việc tổ chức chương trình Xuân Quê hương 2023 thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho bà con kiều bào, động viên đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phấn đấu lao động, học tập, đoàn kết xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, vững mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ông Mai Phan Dũng nêu rõ, chương trình cũng là dịp quan trọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước bày tỏ sự trân trọng, đánh giá tích cực về những đóng góp chân thành, đáng quý của đồng bào ta ở nước ngoài dành cho nhân dân trong nước trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đây cũng là dịp để các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như đối với công tác này.
Chương trình Xuân Quê hương 2023 tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động truyền thống như dâng hương, thả cá chép; hoạt động tri ân như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Liên hoan ẩm thực Việt; Chủ tịch nước chúc Tết kiều bào tại chương trình giao lưu nghệ thuật hoành tráng, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4; các nền tảng hạ tầng số như TV Online, VTV Go hoặc ứng dụng cho điện thoại di động).
Chương trình năm nay có một số điểm mới: Chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” thể hiện niềm tin, niềm tự hào và khát vọng của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì tương lai tươi sáng của đất nước; đồng thời hưởng ứng tinh thần “khát vọng hùng cường” mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Chủ đề chương trình thể hiện niềm tin của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, điều hành, quản lý và phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, niềm tin còn thể hiện ở sự đoàn kết, thống nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm, sẻ chia của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước đối với kiều bào ở nước ngoài và ngược lại.
"Đặc biệt, tinh thần “niềm tin và khát vọng” càng thể hiện rõ nét hơn trong bối cảnh đất nước đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19. Niềm tin, sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước và nhân dân, kiều bào kết tinh thành khát vọng của dân tộc về một đất nước phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc", Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng nêu.
Bên cạnh các hoạt động chính, Xuân Quê hương 2023 còn có một số hoạt động bên lề từ ngày 13/1 dành cho kiều bào như: Tọa đàm của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội với Đoàn kiều bào tiêu biểu về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài (dự kiến lãnh đạo của Quốc hội tiếp và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm); chương trình gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vinh danh kiều bào tiêu biểu; chương trình Hội chợ Xuân “Happy Tết 2023” với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội; chương trình giao lưu tại Đài Tiếng nói Việt Nam; Lễ thả cá chép truyền thống tại Ao Sen trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nghi lễ sẽ do Chủ tịch nước chủ trì tại Ao Sen - dấu tích dòng sông cổ trong Hoàng thành Thăng Long, sau khi tiến hành lễ dâng hương tại Hoàng thành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học và đẩy mạnh nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể lễ hội cung đình, làm sống lại hồn cốt của văn hóa cung đình Thăng Long, hàng loạt nghi lễ cung đình đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện, nhất là những nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, năm nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, trong đó có Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nghi lễ thả cá chép tại Ao Sen theo đúng nghi thức truyền thống, thể hiện sự trân trọng và lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của cha ông ta.
Từ Hội nghị gặp mặt thân mật các kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Dậu năm 1993 để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đến năm 2008, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan và một số địa phương tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương.” Từ đó đến nay, chương trình đã trở thành sự kiện lớn thường niên, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp năm mới.
Tags