Chung kết Việt Nam vs Thái Lan: Tiến vào thành trì của người Thái

Thứ Bảy, 04/01/2025 18:00 GMT+7

Google News

Chủ nhật này, đội tuyển Việt Nam sẽ đối mặt với một thử thách không nhỏ ở Rajamangala. Lý do: sân nhà vẫn là một thành trì vững chắc của người Thái khi đối đầu với các đối thủ trong khu vực.

1. Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với nhận định này nếu nhìn vào việc Thái Lan bị Lào cầm hòa 1-1 hôm 17/11 tại Thammasat. Nhưng nên nhớ đó là một trận đấu nặng tính thử nghiệm, và việc HLV Masatada Ishii thay đến 10 vị trí so với trận gặp Lebanon trước đó là một minh chứng.

Sự thật là kể từ trận thua Việt Nam 0-1 ở King's Cup 2019 (Anh Đức ghi bàn duy nhất sau sai lầm của thủ thành Kawin), Thái Lan không thua một đối thủ Đông Nam Á nào trên sân nhà hết, dù là giải chính thức hay giao hữu (10 thắng, 3 hòa). Còn nếu chỉ tính ở các giải đấu chính thức thì lần gần nhất Thái Lan thua sân nhà là cách đây hơn 15 năm. Ngày 18/11/2009, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2011, họ thua Singapore 0-1 ngay tại Rajamangala sau pha lập công duy nhất của chân sút nhập tịch Aleksandar Duric.

Nếu chỉ tính riêng trong khuôn khổ AFF Cup, Thái Lan cũng chưa từng thua bất kỳ đối thủ Đông Nam Á nào suốt 16 năm qua. Và đội gần nhất giành chiến thắng trên sân Thái Lan trong khuôn khổ giải đấu cũng chính là… Việt Nam. Ở trận chung kết lượt đi năm ấy, hai bàn thắng của Vũ Phong và Công Vinh đã giúp Việt Nam thắng 2-1 tại Rajamangala. Và phần còn lại là lịch sử.

2. Lịch sử dường như cho thấy trong số các đội Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có duyên khi làm khách trên sân người Thái nhất. Nhưng lịch sử chỉ mang tính tham khảo, còn thực tế có thể hoàn toàn khác.

Tiêu điểm: Thành trì của người Thái - Ảnh 1.

47 nghìn vé của trận chung kết lượt về được bán hết sau 2 tiếng. Ảnh Changsuek

Tại AFF Cup lần này, người Thái toàn thắng cả 3 trận sân nhà, và đó đều không phải những chiến thắng dễ dàng. Họ đánh bại Malaysia 1-0 sau một sai lầm chết người của thủ thành Haziq Nadzli. Họ cũng chỉ thắng Campuchia 3-2 sau một màn rượt đuổi tỷ số. Và mới đây nhất, họ cũng trải qua những giây phút hú vía trước Philippines trước khi thở phào nhờ bàn thắng quyết định của "thần đồng Suphanat Mueanta.

Những chiến thắng ấy ít nhiều mang yếu tố may mắn, nhưng không phải không xứng đáng. Tại Rajamangala, những áp lực kinh khủng từ trên khán đài đã trở thành nguồn sức mạnh của người Thái, giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn, đồng thời cũng khiến đối thủ của họ mất tập trung trong những thời khắc quyết định. May mắn là một phần cuộc chơi, song tận dụng được chúng hay không thì lại thuộc về vấn đề bản lĩnh.

Ở vòng bảng, các trận vòng bảng của Thái Lan trước Malaysia và Singapore chỉ thu hút trên dưới 2 vạn khán giả. Đến bán kết gặp Philippines, con số này đã là hơn 31 nghìn người. Còn ở trận bán kết lượt về vào Chủ nhật tới, 47 nghìn vé đã được bán hết sạch chỉ 2 giờ sau khi mở bán. Điều ấy chứng tỏ sự kỳ vọng của người Thái lớn đến mức nào. Đi kèm với đó sẽ là những áp lực khủng khiếp cho đội tuyển Việt Nam tại Rajamangala.

3. Thái Lan từng nhiều lần muốn vươn mình lên tầm châu lục nhưng bất thành. Kể từ sau thành tích lọt vào bán kết ASIAD 1998 với tư cách chủ nhà, đội tuyển Thái Lan chưa một lần lọt vào tứ kết giải đấu cấp châu lục, trong khi Việt Nam 2 lần lọt vào tứ kết Asian Cup (2007, 2019). Tại vòng loại World Cup, kỷ lục giành 4 điểm ở vòng loại thứ 3 của họ cũng đã bị Việt Nam cân bằng và Indonesia (6 điểm) vượt qua.

Nhưng đừng quên, trong 5 kỳ AFF Cup gần nhất, Thái Lan đã vô địch 4 lần (2014, 2016, 2020, 2022). Thành công suốt một thập kỷ qua gắn liền với triết lý bóng đá kiểm soát bóng, tấn công chủ động, cùng bản lĩnh vững vàng được tôi luyện, từ thời Kiatisuk Senamuang đến Masatada Ishii. Liệu Việt Nam – đội Đông Nam Á gần nhất chiến thắng trên sân Thái Lan – có tái lập được kỳ tích xưa?

Tuấn Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›