Thêm 4 chữ cái f, j, z, w vào tiếng Việt để hội nhập?

Thứ Năm, 11/08/2011 10:39 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Thông tin về ý tưởng thêm 4 chữ cái f, j, z, w do một cán bộ của Bộ GD&ĐT khởi xướng đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận…

Cụ thể, ý tưởng trên được công bố bởi TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT. Theo ông Ngọc, ở bản dự thảo Thông tư quy định hướng sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân, 4 chữ cái F, J, W, Z sẽ được thêm vào với lý do “thuận lợi về mặt kỹ thuật trong sắp xếp trật tự, chuẩn hóa tiếng Việt trên máy tính”. Có nghĩa, nếu dự thảo này được Bộ Tư pháp thông qua, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 chữ thay vì 29 chữ như trước đây.

TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình

Trao đổi với TT&VH về vấn đề này, TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (hiện đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho biết:

- Tôi tán thành ý tưởng trên. Lý do: các chữ cái f, j, z, w vốn rất phổ biến trong nhiều ngôn ngữ thế giới. Về phương diện âm vị học, chữ quốc ngữ của ta có thể thay thế các chữ cái này bằng những từ khác hoặc bằng nguyên tắc ghép phụ âm (chẳng hạn “f” có thể thay thế bằng “ph”). Tuy nhiên, cách dùng này khiến chúng ta ở tình trạng “một mình một kiểu”. Tạm lấy ví dụ về tên riêng, theo nguyên tắc thì chúng ta không thể viết Gorbachev mà phải là Góc-ba-chốp, thì mới đúng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, qua báo chí, phim ảnh hoặc tài liệu khoa học, người xem sẽ phải tiếp xúc rất nhiều với những từ có nguồn gốc nước ngoài. Việc dùng thêm 4 ký tự này kèm cách phát âm chuẩn sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho người đọc: đọc chuẩn hơn, tránh rơi vào tình trạng “tam sao thất bản” về phiên âm, không bị “sốc” khi tiếp xúc với những từ có nguồn gốc quốc tế.

* Nhiều người e ngại rằng việc thêm 4 từ mới sẽ gây tình trạng “loạn” chính tả và ghép âm trong tiếng Việt, chẳng hạn như cái gọi là “ngôn ngữ teen” đang phổ biến trên mạng hiện nay với những hok bít (không biết), hem hỉu (không hiểu)...

- Tôi nghĩ việc thêm 4 chữ cái mới, cần tiến hành với điều kiện tuyệt đối giữ nguyên các quy tắc về chính tả hay ghép âm trước đây. Theo cách đó thì ta chỉ có thêm ký tự để thể hiện một số từ quốc tế chứ không ảnh hưởng gì tới các nguyên tắc cơ bản về âm vị học tiếng Việt.

* Từ góc độ chuyên môn, việc đưa 4 ký tự này vào hệ thống giáo dục có gây trở ngại cho sự tiếp thu của trẻ nhỏ không, theo ông?

- Theo tôi biết, Bộ GD&ĐT từ trước vẫn quy định các từ quốc tế trong sách giáo khoa phổ thông phải được viết theo dạng “thuần Việt”. Tuy nhiên, trong giáo trình cấp đại học, Bộ GD&ĐT lại cho phép sử dụng các kí tự này khi đề cập tới những từ có nguồn gốc quốc tế. Như vậy, chúng ta đã bỏ trống khâu dạy học sinh nhận diện, phát âm và sử dụng 4 chữ cái f, j, z, w rồi.

Việc đưa vào chương trình giáo dục có thể gây tâm lý e ngại với một số người, nhưng cá nhân tôi cho là cần thiết. Xin nói thêm là bảng chữ quốc ngữ mà Alexandre de Rhodes lập nên cũng không hoàn thiện ngay từ đầu mà trải qua rất nhiều năm biến đổi và tinh giản thì mới tạo thành bảng 29 chữ cái từ vài chục năm gần đây.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Chưa có chủ trương “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt”

Ngày 10/8, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân của một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, đây không phải là chủ trương của Bộ.

Vừa qua, có thông tin về việc trong dự thảo “Thông tư Ban hành Quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân” của Bộ GD&ĐT có nội dung: “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt”. Theo quy định, trong quy trình xây dựng Thông tư, có việc xin ý kiến rộng rãi qua mạng. Nhưng đến nay, bản dự thảo vẫn chưa có được phiên bản đầu tiên, chưa có nội dung cụ thể để phát triển thành văn bản của Thông tư, nên chưa đến giai đoạn công bố để xin ý kiến rộng rãi.

Cúc Đường (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›