Trong sách giáo khoa phổ thông, có một đoạn trích từ Truyện Kiều được đặt tên là "Trước lầu Ngưng Bích". Đây là đoạn trích rất hay, mô tả một quãng thời gian trong cuộc đời lưu lạc của Kiều.
Chúng ta biết, sau khi biết mình rơi vào lầu xanh, Kiều rút dao định quyên sinh. Mọi người vội ra sức can ngăn. Tú Bà tiếc của, xuống nước, lựa lời phủ dụ Kiều. Mụ hứa hẹn để Kiều tạm lánh một thời gian, không phải làm công việc của "gái bán hoa" ("Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây") để "đợi ngày đào non" (tức lo duyên số: "Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà"). Nghe lời ngon ngọt, Kiều dần bình tâm lại, một mình về sống ở "lầu Ngưng Bích khóa xuân" với bao tâm trạng nhớ thương, sầu tủi:
"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm…".
Hai câu thơ cuối, ta thấy xuất hiện các từ "gốc tử", "sân Lai" trong nỗi nhớ nhung đau đáu của Kiều về quê hương, về cha mẹ, về những người thân giờ đây đang tận nơi góc bể chân trời. Hai từ này có xuất xứ từ nguyên đặc biệt.
"Gốc tử" ở đây chỉ cây tử, còn gọi cây thị, là thứ cây cha mẹ thường trồng ở sân nhà làm bóng mát. Cây tử càng to, càng cao, là minh chứng cha mẹ càng già càng yếu. "Sân Lai" trong câu thơ là "sân nhà của Lão Lai Tử". Theo "Hiếu tử truyện", thời Xuân Thu có một người tên là Lão Lai Tử. Ông là một người con rất có hiếu với cha mẹ. Lão Lai 70 tuổi rồi mà cha mẹ vẫn còn sống. Có lần, ông mặc áo ngũ sắc, múa may biểu diễn, lại còn giả vờ ngã cho cha mẹ vui cười. Câu "Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm" hàm ý là Kiều đã xa nhà khá lâu, cây tử trồng trong sân giờ đã lớn lắm rồi (tới mức vừa người ôm).
"Sân Lai" sau này thành một từ chỉ sân nhà cha mẹ của ai đó. Còn có từ "Phần Tử" dùng chỉ quê hương. Phần là "Phần Du", vốn là quê hương của Hán Cao Tổ. Tử là cây tử, rất hay được trồng ở trước nhà các gia đình xưa. Con cháu hãy nhìn cây tử mà thể hiện sự kính trọng và yêu thương ông bà, cha mẹ mình.
Cây già mưa nắng bao năm
Nhắc ai một nỗi nhớ thầm mẹ cha.
Tags